Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Cuốn sách của chị tôi

Gập cuốn sách lại, lần đầu tiên trong đời không bị đánh đòn đau nhưng tôi vẫn bật khóc. Tôi khóc cho sự sai lầm của mình khi oán giận cha mẹ, thậm chí còn có lúc dại dột ước ao không phải... sống cùng cha mẹ!

Anh chị tôi đều học giỏi, năm nào cũng có phần thưởng mang về nhà (Ảnh minh họa)

Thời còn tiểu học, tôi biếng nhác việc học hành lắm. Hậu quả chuyện làm biếng ấy là kết quả học tập của tôi năm nào cũng gần như “đội sổ”, trầy trật hết cách mới không bị lưu ban. Ác thay, nhà tôi các anh các chị đều học giỏi. Mỗi lần tổng kết năm, ai cũng có phần thưởng khệ nệ bê về nhà... trừ tôi! Xấu hổ vô cùng tới mức muốn đào lỗ mà chui. Vậy nhưng cái tật làm biếng vẫn không bỏ được...

Dễ hiểu vì sao tôi luôn bị cha mẹ, anh chị rầy la. Cha tôi gốc gác nông dân, học hành chẳng được bao nhiêu nhưng rất quí trọng chữ nghĩa. Cha nai lưng cả đời cày cuốc chỉ với một khát khao duy nhất: nuôi các con “thoát dốt”, ăn học thành tài.

Với cha, con cái học hành giỏi giang là niềm tự hào còn con mà học hành bí bét (kiểu như tôi) là “nỗi nhục”. Gì chớ chuyện này thì không riêng cha mà cả gia đình tôi đều chung quan điểm! Buồn bực, bức xúc khiến cả nhà xúm lại rầy tôi - đôi lúc khá nặng lời.

Tôi cự lại, thế là bị đòn. Những trận đòn khiến tôi thương tổn. Tôi đâm giận cha mẹ. Tôi phản ứng lại bằng cách càng bê tha học hành. Kết quả: càng bị roi vọt, la rầy nhiều hơn. Tuổi mới lớn, suy nghĩ, nhận thức còn non nớt nhưng lại dễ xúc động, tủi thân, tôi cảm thấy cuộc đời sao đáng ghét, gia đình sao bất công. Không ai chịu hiểu chuyện học đối với tôi cực nhọc thế nào. Mọi người chỉ nhăm nhăm la rầy, đánh đập…. Tâm trạng “ghét đời” ấy khiến tôi ngày càng trở nên căng thẳng, trầm uất. Đôi khi tôi tưởng chừng mình đang rớt xuống địa ngục…

Còn nhớ năm 1974, khi tôi đang học lớp 5 thì chị Hai tôi ở xa về.

Chị Hai là chị nuôi, lúc nhỏ sống chung với gia đình tôi. Chị Hai cũng học giỏi, hiền ngoan, giờ lại làm cô giáo nên cha mẹ tôi rất quí. Hỏi thăm khắp lượt tình hình từng người một, tới thằng Út (là tôi) cha mẹ tôi đang vui bỗng sầm mặt, thở hắt: “Thôi, nói tới nó làm gì, phát bực mình thêm...”. Thế là, sau đó mọi người lần lượt kể “tội trạng” của tôi: dốt, lười, hư, hỗn láo, cứng đầu… như thể tôi là con bệnh đã hết thuốc chữa. Chị Hai im lặng lắng nghe một cách bình tĩnh, không bình luận hay a dua theo mọi người.

Chị Hai là chị nuôi, lúc nhỏ sống chung với gia đình tôi. Suốt một tháng về thăm nhà, hầu như ngày nào chị cũng tìm cớ dắt tôi đi chơi. (Ảnh minh họa)

Suốt một tháng về thăm nhà, hầu như ngày nào chị cũng tìm cớ dắt tôi đi chơi. Không đả động gì tới các “tội trạng” của tôi, chị cứ nhỏ nhẹ tâm tình, khuyến khích tôi “xổ” ra bằng hết những nỗi niềm, ấm ức. Một tháng sống cùng chị, nỗi buồn trong tôi dường như vợi bớt phân nửa. Đôi lúc tôi lẩn thẩn ước, giá mình có thể sống chung với... chị Hai thay vì cha mẹ thì tốt biết bao nhiêu. Vậy nhưng tôi hiểu: đó là một khát vọng viễn vông. Chị Hai đã có gia đình, nhà cửa và cuộc sống riêng tư, đâu thể ở mãi cùng tôi. Trước ngày chia tay, thấy vẻ mặt rầu rĩ của tôi, chị cười, dúi cho tôi một cuốn sách nhỏ: “Chị có quà tặng em. Em nghe chị, đọc kĩ. Đọc xong bảo đảm em sẽ hết buồn”.

Đó là cuốn truyện Vượt đêm dài của nhà văn Minh Quân. Truyện kể về cậu bé Tâm, nhà nghèo, đêm đêm phải cùng mẹ đi đổ rác thuê. Nhìn những đứa trẻ được tung tăng cắp sách đến trường, cậu âm thầm nuôi một khát vọng cháy lòng: Đi học! Cái khát vọng ấy lớn đến nỗi Tâm từng tự nhủ: Mình mà được đi học (…) lụt mình cũng đi chớ kể gì cái thứ mưa!….

Giống như tôi, Tâm cũng buồn giận cha mẹ, có khác là Tâm buồn giận vì… không được đi học! Nhưng cậu đâu hiểu rằng: cha mẹ cậu không có lỗi. Số phận, nghịch cảnh, thiệt thòi triền miên mà cậu gánh chịu tất cả là do cái nghèo. Khi cha cậu mất đi, Tâm mới bàng hoàng nhận ra: Cậu đã hiểu lầm cha mẹ, không ai yêu thương cậu bằng cha mẹ. Sự thức tỉnh của tình yêu thương cộng với lòng ham học đã giúp Tâm có đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt qua đêm dài tăm tối của cuộc đời…

Có thể bạn không tin rằng: có những khoảnh khắc làm thay đổi cả một con người. Riêng tôi, tôi tin điều đó. Gập cuốn sách lại, lần đầu tiên trong đời không bị đánh đòn đau nhưng tôi vẫn bật khóc. Tôi khóc cho sự sai lầm của mình khi oán giận cha mẹ, thậm chí còn có lúc dại dột ước ao không phải... sống cùng cha mẹ! Cha tôi dù có nghiêm khắc đến cỡ nào thì vẫn chưa tới mức nát rượu thậm chí làm nhiều chuyện sai trái như cha Tâm – nhân vật trong quyển sách.

Mẹ tôi chắc chắn không cộc cằn như mẹ Tâm. Gia cảnh tôi (dù không dư dả gì) cũng chưa khó khăn đến mức bắt tôi phải cùng mẹ đêm đêm đi đổ rác thuê để kiếm sống! Cái khát vọng được đi học của cậu bé Tâm trong truyện khiến tôi xấu hổ khi nghĩ tới chuyện mình sợ học hành như sợ... hủi. Trong khi Tâm tuyên bố trời lụt cũng sẵn sàng đi học thì tôi – hôm nào trời mới mưa hơi to chút đã rụt đầu rụt cổ, viện đủ thứ lí do để không phải tới trường. Rõ ràng tôi đang có đầy đủ hết những thứ mà cậu bé Tâm bất hạnh kia hằng ao ước nhưng tôi không biết qu í...

Để nghiệm ra được những điều đó, không phải chuyện dễ dàng gì với một đứa trẻ. Nhưng, ơn trời, tôi đã thức tỉnh và trở thành một con người khác nhờ vào cuốn sách của chị tôi...