Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Ông nội tôi

Ông nội tôi lúc bấy giờ lưng đã còng, râu tóc đã bạc, chân đi khập khiễng phải chống thêm cây gậy tre, nhưng cứ hễ đến ngày rằm, mồng một là ông lại dắt tôi lên chùa Mướp dọn dẹp, thắp nhang cầu nguyện.

Chùa Mướp là một ngôi chùa nho nhỏ, được phủ bởi tán cây sanh đồ sộ, rễ chằng chịt mọc từ đỉnh mái bám sát bờ tường mà xuống đất. Tôi thích cùng ông đến nơi đây để được uống “nước tiên” sau mỗi lần hai ông cháu quỳ khấn. Gọi là “nước tiên” nhưng thực ra đấy là nước lã, sau khi được ông xin Bồ Tát thì trở thành “nước tiên”.

“Nước tiên” vị không khác gì nước lã nhưng uống vẫn cứ thinh thích. Còn gói bánh quy, ông chia cho mấy đứa trẻ đang chờ sẵn bên ngoài mỗi đứa một ít lấy lộc, phần còn lại để dành cho ba chị em tôi. Tôi hay leo theo đường rễ cây lên mái và ngồi trên cây du dương hát, gió vi vu, mát mẻ và trong lành hòa quyện với một tâm hồn trong trẻo. Nhưng lần nào leo lên tôi cũng bị ông mắng cho một trận, ông bảo đây là nơi linh thiêng, mà tôi nào có biết “linh thiêng” nghĩa là gì.

Nội tôi có một bàn máy may, chiều chiều ông thường ngồi bên bàn máy sửa quần áo cho bà con trong xóm, dưới hiên mái tranh của căn nhà vách đất trộn rơm. Ông tôi rất chăm chỉ. Tôi đi quanh nhà hàng xóm chơi chán chê rồi về, vẫn thấy ông còn cặm cụi bên bàn máy. Nội tôi rất thương người, hễ ai không có tiền thì ông sửa quần áo giúp dù nhà tôi cũng không khá giả gì. Bố tôi bảo nhà tôi nghèo nhất xã, mà cái xã ấy cũng nghèo nhất nhì huyện, nhưng tôi nào có biết “nghèo” là gì.

Ông nội thường chỉ cho tôi cách xâu chỉ qua từng bộ phận trên bàn máy để thỏa mãn cơn táy máy của tôi. Nhưng tôi cũng chỉ học được cách xâu chỉ và để đó chứ chưa tự tay may được cái áo cái quần nào bằng chiếc máy của ông.

Vài lần ông “thuê” tôi cắt cỏ cho bò. Vườn nhà đầy cây ăn quả nhưng cũng đầy cỏ cú, cỏ đắng. Mỗi lần tôi cắt đầy một thúng tre ông “trả” cho một trăm đồng, lần nhiều nhất ông trả tôi những năm trăm, số tiền này mua được mười cây kẹo dừa dài màu nâu nâu, ngày đó tôi thích ăn kẹo dừa lắm, vị ngọt ngọt mà ngậy ngậy, ngần ấy kẹo là cả gia tài của một đứa trẻ.

Ông dặn tôi là phải biết tiết kiệm, cất một ít tiền vào cuốn sách của ông, sau này con sẽ có rất nhiều tiền. Làm tôi cứ ngỡ bỏ một tờ vào đó, sau dần sẽ sinh thêm nhiều tờ khác, nhiều lần tôi hé hé quyển sách xem nó có đẻ thêm tờ nào không, nhưng không có, rồi lắc đầu ngẫm do mình hé sớm quá. Tôi nói với ông, sau này con muốn giống như ông, làm một ông chủ có thật nhiều tiền để thuê mấy đứa bạn con cắt cỏ, thật là oai phong, thế mà nội nhìn tôi cười giòn giã.

Năm tôi lên lớp 3, ông nội tôi mất. Tôi còn ngây dại, không hiểu được mất mát nghĩa là gì. Chỉ thỉnh thoảng vài lần ăn cơm thấy bố bỗng nghẹn trong nước mắt. Và từ đó mỗi lần có bài tập làm văn về gia đình, câu đầu tiên mà tôi hay viết “Gia đình em có 5 người, bố mẹ và 3 chị em…”, thay vì trước đây: “ Gia đình em có 6 người, ông nội, bố mẹ và 3 chị em… ”.

Có lẽ ảnh hưởng từ ông nội, nên khi lớn lên, tôi khâu vá khá giỏi, làm gì cũng khéo tay hơn đôi bạn cùng trang lứa, tâm hồn có chút nghệ thuật giống ông, và cũng rất tiết kiệm. Ông không dạy tôi nhiều thứ, nhưng thứ gì ông dạy tôi đều nhớ rõ mồn một. Bây giờ tôi đã là cô sinh viên năm cuối của một trường đại học, mỗi ngày có nhiều thứ để suy nghĩ lắm, cuộc sống cứ chật vật với việc làm thêm và Đồ án tốt nghiệp…

Hôm nay vô tình cầm trên tay gói kẹo dừa, bất giác nhớ tới ông, tôi muốn thì thầm với ông rằng ngôi chùa ấy bây giờ đã được tu sửa rộng rãi, đã đổi tên và có nhiều người dọn dẹp chứ không còn của riêng hai ông cháu. Kẹo dừa vị vẫn ngọt ngon như ngày nào, vẫn mua bằng tiền làm thuê của con nhưng không phải “làm thuê” cho ông mà là cho người ta.