Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Cái duyên với nghề biếm hoạ

Tôi sinh ra vốn dĩ bình thường cũng như những đứa trẻ khác, cũng ăn ngủ cũng khóc cười. Có điều, không ai ngờ khi lớn lên tôi lại chọn một cái nghề chuyên đi xoi mói, bới móc người khác, đó là nghề họa sĩ biếm.

Ngoài vẽ biếm họa, tôi còn viết tiểu phẩm, làm thơ châm biếm. Tôi lấy đó làm nghề sinh sống suốt 25 năm nay.

Gia đình tôi từ Bình Định vào Sài Gòn sinh sống và làm ăn từ năm 1990, với đôi bàn tay trắng. Hồi mới vào, gia đình sống bằng nghề mua bán trong một ngôi chợ nhỏ ở xóm Ông Cò (một xóm nghèo, không có điện và không ít tệ nạn xã hội) thuộc Phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Mua bán rau củ, hành tiêu, ớt tỏi, những lúc ế ngồi cũng ngáp gió, tôi hay mua báo đọc cho đỡ buồn. Tôi phát hiện trên báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng… mỗi báo đều có một góc tranh biếm, nhìn thấy vui vui, tôi về nhà vẽ thử rồi tự cười tự vui, cho đến năm 1996 bắt đầu mon men cộng tác trên báo Tuổi Trẻ Cười (TTC)

Với sự cố gắng hết sức, tôi cũng được TTC để ý cho đăng bức tranh đầu tiên với bút danh là Cận. Các bạn biết không, lúc ấy tôi vui không thể nào tả được, đi khoe cùng làng khắp xóm, khoe với bạn bè và khao cà phê “cháy túi”. Sau đó cứ thế tôi vẽ nhiều lên, gửi đi tới tấp (hồi đó TTC một tháng chỉ ra có một số mà còn là trắng đen). Tôi mạnh dạn gửi cộng tác nhiều báo khác, như Thanh Niên, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Công an Thành Phố HCM, Hải Quan, Nông Thôn Ngày Nay, Tiền Phong, Sức Khỏe Đời Sống, Giáo Dục, Thế Giới Mới, Đồng Nai, An Giang, Thiếu Niên Tiền Phong, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Học Trò Cười, Văn Nghệ Hà Nội, Văn Nghệ Thành Phố… rồi nào là tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san, từ báo người lớn cho tới báo học trò tôi vẽ tất tần tật, và mới đây là Văn Nghệ Thái Nguyên…

Có lúc tui vẽ cộng tác tới 30 tờ báo trong Nam và ngoài Bắc, thế là tranh tui được đăng báo nhiều, góp gió thành bão, nhuận bút khá lên nhiều.

Hằng tháng tui được đăng hơn một trăm tranh biếm trên tất cả các báo là chuyện bình thường, dần dần tôi trở thành tay vẽ tranh vui “chuyên nghiệp”, thu nhập tiền nhuận bút nuôi các con ăn học từ đó. Cũng từ đó tôi truyền lửa cho các con sau này học kiến trúc, xây dựng vì cũng liên quan đến vẽ.

Hằng ngày tôi cho ra lò 3 đến 5 tranh biếm là ít nhất. Thế là thu nhập cũng khá lên, nuôi 4 đứa nhỏ ăn học từ cấp 1 cho đến thạc sĩ (trong 4 con có 3 đứa là thạc sĩ, trong đó có 2 đứa là thạc sĩ Trường đại học Kiến Trúc TP.HCM tốt nghiệp loại giỏi. Đứa lớn hiện nay mở công ty tư nhân với 300 công nhân thường trực). Tất cả là từ đồng tiền nhuận bút tranh biếm đó các bạn.

Sự cố gắng coi như đã thành công, và thành công đến bất ngờ, và thật bất ngờ cuộc đời tôi thay đổi từ ấy, từ mua bán nhỏ thành họa sĩ biếm chuyên nghiệp mặc dù tôi không phải là họa sĩ chuyên nghiệp được học hành như những người khác.

Tranh của tôi làm hài lòng nhiều tờ báo, cho nên tôi ngày càng ra sức cố gắng học hỏi, vẽ từ bút kim bằng tay, rồi theo học vẽ trên máy vi tính cho kịp với thời đại.

Đã có nhiều giải thưởng tôi đạt được trong các cuộc thi. Thành tích ấy khiến tôi rất đỗi vui mừng và tự hào với bản thân mình đã vượt lên trong cuộc sống.

Có nhiều người hỏi tôi lấy ý tưởng ở đâu ra mà vẽ nhiều thế, xin thưa rằng ý tưởng ngay trên tờ báo mà tôi đọc hằng ngày. Khó là làm sao để tranh sau không trùng với tranh trước, phải luôn mới thì báo mới dùng, có thời gian tôi cũng mất ngủ vì mãi suy nghĩ ý tưởng cho đề tài tranh kịp với thời sự.

Cho đến hôm nay 65 tuổi đời, 25 tuổi nghề biếm họa, tôi vẫn còn tham gia vẽ và viết hàng chục tờ báo, đó là niềm vui và trở thành cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên áp lực không còn nhiều như hồi còn nuôi con ăn học.

Giờ đây các con tôi đã thành danh, thành tài là từ bàn tay vẽ biếm họa của tôi, từ tiền nhuận bút của báo chí mấy chục năm, không lương, không thưởng, không quà tặng… Mỗi dịp Tết hay lễ nhìn đồng nghiệp làm báo chính thống có lương thuởng, hội họp nhậu nhẹt, nghĩ cũng chạnh lòng!

Sống bằng tiền của báo mà không phải nhà báo, chỉ là người cộng tác mà thôi! Có lẽ ít người làm như tôi, xin chia sẻ cùng với các bạn như thế!

Có ai hỏi tui làm nghề gì để nuôi con, và trang trải cuộc sống gia đình, tôi nói tôi làm nghề “chọc cười thiên hạ”. Mọi người hỏi tôi có phải làm nghệ sỹ hài không, tôi bảo không phải, tôi tự hào nói tôi là họa sĩ biếm họa! Vâng! Nghề họa sĩ biếm đã làm thay đổi cuộc đời tôi!

Nghề của tôi chưa bao giờ biết “trúng mánh” là gì, đồng tiền nhuận bút biếm họa sạch đến nỗi không có gì sạch hơn được nữa, thật đáng sống và là niềm hạnh phúc trong một xã hội đang đầy rẫy đồng tiền “bẩn”.