Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Món quà đặc biệt của thầy

Ngày tốt nghiệp, khi được đại diện khóa 32 của mình đứng đọc bài phát biểu, bất giác nó lại như nhìn thấy những tờ tiền lẻ trong gói quà đặc biệt năm nào. Nó cảm giác như mình ngửi thấy mùi mằn mặn, cay cay của sự vất vả, nhọc nhằn và tình yêu thương đong đầy của thầy xung quanh.

Quê nó vốn nghèo nên từ lâu chẳng mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học để trở thành bác sĩ, kĩ sư hay giáo viên cho nở mày nở mặt hay đổi đời. Nhà nó cũng nghèo, lại đông anh em nên cha mẹ nó cũng vậy. Phần vì quá túng thiếu, phần là nghĩ đến điều kiện và khả năng của con mình “làm sao mà chọi nổi với người ta!”….,nên mặc dù thương con, biết nó có chí học hành, cha mẹ cũng chỉ thở dài, ngán ngẩm lắc đầu trước ước mơ Đại học của nó.

Tốt nghiệp lớp 12, lận đận, trầy trật mãi với việc tự học, tự thi và phụ giúp cha mẹ những hai năm trời, cuối cùng nó cũng vào được ngôi trường mà nó hằng mơ ước – Đại học Cần Thơ, ngành Ngữ Văn, khóa 32.

Qua bao khó khăn, nó giờ đây đã bước những bước đầu tiên trên con đường mình lựa chọn, nó tin đây là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời khi nó 20. Vui mừng, sung sướng, tự hào nhưng tất cả không được bao lâu, bao nhiêu lo lắng bộn bề tràn đến, bủa vây chung quanh nó và gia đình. Cha mẹ đăm chiêu, nhăn trán căng thẳng, nó thì hết đứng rồi ngồi, đi tới đi lui. Bốn năm trời nơi thành phố xa lạ ấy, tiền học phí, tiền tài liệu, tiền ăn, tiền ở….., hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó. Đi làm thêm, liệu có đủ sống được không? Có học nổi không? Nó sợ. Nó lo. Tưởng chừng như nó muốn từ bỏ. Đúng lúc ấy, thầy Kiên, thầy giáo chủ nhiệm ba năm cấp 3 đã đến bên nó.

Thầy mang cho nó một lô sách vở, một chai dầu gió, ít vật dụng cá nhân, và dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “quà đặc biệt”, chỉ khi thầy về mới được mở ra xem. Thầy nói đây là quà chúc mừng dành cho nó. Nó òa khóc, ôm lấy thầy, nắm lấy bàn tay gầy của thầy mà siết chặt.

“Quà đặc biệt” của thầy là một xấp đầy những tờ tiền mệnh giá 5.000đ, 2000đ, 1.000đ được gói trong hai lớp giấy báo và một lớp nilon cũ kĩ. Những tờ tiền được vuốt phẳng phiu nhưng phần nhiều đã cũ mà nó tin rằng thầy đã để dành, chắt mót từ lâu, lâu lắm rồi. 1.000.000đ,số tiền này lớn quá, mà nhà thầy nào có khá giả gì. Nó biết, một thân một mình, thầy lủi thủi rau cháo qua ngày với tiền lương viên chức. Phải quý lắm, thương lắm, thầy mới cho nó số bạc lẻ tiện tặn này. Món quà lớn quá, bất ngờ quá, xấp tiền cũ sao cứ thoảng hương mằn mặn, cay cay. Thầy đã về từ lâu, còn lại một mình, nó cứ mân mê mãi những tờ tiền đã cũ ấy mà thèm một góc khuất không có ai để khóc.

Nó quyết định đi nhập học, nó sẽ đi, đi để thực hiện ước mơ, đi để học, đi để không phụ lòng tin, sự quan tâm chân thành, sâu sắc của thầy. Với gói “ quà đặc biệt ” thầy đã tặng, vài trăm ngàn của cha mẹ cho thêm, nó đi, quyết tâm sẽ học, sẽ làm thêm để trụ được trong cuộc sống sinh viên xa nhà. Nó chấp nhận nhọc nhằn, không sợ gian khó, nó sẽ làm được, nó tự hứa với lòng, với gia đình, với thầy như thế trước khi cầm ba lô lên Cần Thơ học.

Từ lúc đấy, đời sinh viên của nó là một chuỗi ngày vừa học vừa làm, chạy bàn, gia sư, phát tờ rơi, việc gì cũng làm, không ngại ngần. Nó không hề tham gia những cuộc vui chơi, tiệc tùng cùng bạn bè. Nó chỉ biết lên giảng đường học tập và tranh thủ đi làm để kiếm tiền những lúc rảnh thời gian. Một ngày của nó kín mít, thậm chí không còn khe hở để thở nữa, cứ ra khỏi Kí túc xá từ 6h30 sáng và về nhà lúc đã hơn 9h tối. Không ai có thể rủ nó đi uống một ly cà phê hay đi chơi, đi hát karaoke.

Nhiều lúc học hành bận rộn, làm thêm vất vả, mệt mỏi, chán nản, nó chỉ muốn khóc và bỏ cuộc. Nhưng nó nhớ đến cha mẹ đang ngày ngày vất vả; nghĩ đến tương lai và nhất là nhớ lại “món quà đặc biệt” của thầy rồi; nó lại tự động viên mình cố lên, cố gắng hơn nữa. Nó tự dặn lòng không thể chùn bước, không được dừng lại và cam chịu chấp nhận đầu hàng, nhất định nó phải là một mặt trời nhỏ để cuộc đời của mình có thể ấm áp và tỏa sáng lên trong tương lai.

Sáng đi học, chiều đi làm, tối về xem thêm tài liệu, nó như sống với 200% sức lực của mình. Cứ thế, bốn năm học trôi qua. Cô gái nhỏ bé ngày nào đã tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, là thủ khoa toàn khóa học . Những cố gắng, nỗ lực và cả sự “hi sinh” của nó những năm qua đã được đền đáp thật xứng đáng. Ngày tốt nghiệp, khi được đại diện khóa 32 của mình đứng đọc bài phát biểu, bất giác nó lại như nhìn thấy những tờ tiền lẻ trong gói quà đặc biệt năm nào. Nó cảm giác như mình ngửi thấy mùi mằn mặn, cay cay của sự vất vả, nhọc nhằn và tình yêu thương đong đầy của thầy xung quanh.

Ngàn lần nó muốn nói thật to: Con cám ơn thầy lắm lắm, thầy ơi!