Trung thu và chiếc bánh ngon nhất đời mình!

Nhuận Phẩm
Có một lần, nhìn mấy đứa trẻ con nhà giàu ăn bánh trung thu, có đứa làm rơi bánh xuống đất. Mẹ nó không cho nhặt lên vì bẩn. Đợi lúc đứa con nhà giàu kia cùng mẹ đi khuất, mình mới nhặt lên, giấu trong áo. Chạy thật nhanh về nhà và ngồi trong một góc nào đó, phủi hết những đất cát còn vương trên bánh, nhai trệu trạo vì đôi lúc vẫn còn những hạt sạn.

Có lẽ, ngoài Tết ra thì chỉ có Trung thu mới khiến người ta có nhiều cảm xúc nhớ thương, hoài niệm về một thời tuổi thơ như thế. Chỉ khác một điều, Tết gợi về nỗi nhớ thương đoàn viên, về gia đình, về những cột mốc trong cuộc đời mỗi người. Còn Trung thu lại gợi nhắc một cái gì đấy đứng chênh vênh giữa lằn ranh của niềm vui nhẹ nhàng và sự tiếc nuối. Một cảm giác vừa hân hoan khi biết rằng một phần đẹp đẽ của tuổi thơ vẫn hiển hiện, và một rung động trầm buồn nhắc ta rằng cả một ấu thơ đã lùi xa, êm ả và chẳng bao giờ có thể quay lại được nữa.

Trung thu xưa 2 bên đường vàng rực của đuốc với đèn lồng. Đuốc sáng rực hơn cả đèn đường. Trung thu nay toàn đèn cao áp, chớp nháy của đèn flash và từ màn hình những chiếc điện thoại giơ cao.

Hồi ấy, ở với bên ngoại, lúc nào cũng mong chờ trung thu lắm. Ngày nào cũng háo cả hức chờ được ông ngoại mua bánh trung thu cho lũ cháu 7 đứa. Đứa nào cũng háo hức nhìn những miếng bánh nhân mứt bí với lạp xưởng to thật là to thắp hương xong sẽ cắt thành từng miếng thả vào lọ đường vàng vàng.

Bao giờ ông ngoại cấp cho một miếng thì cứ gọi là, ăn nhẩn nha, chóp chép mút mát cho hết miếng lạp xưởng đỏ choét rồi mới viên từng viên vỏ bánh dẻo cho nốt vào mồm ăn thật chậm.

Và sau này, thêm vài năm nữa. Lúc ấy chẳng còn biết đến mùi vị bánh trung thu như thế nào nữa. Có một lần, nhìn mấy đứa trẻ con nhà giàu ăn bánh trung thu, có đứa làm rơi bánh xuống đất. Mẹ nó không cho nhặt lên vì bẩn. Mình mon men đến, giẫm nhẹ lên chiếc bánh ăn dở bị rơi bằng đôi dép nhựa đã hàn loang lổ bằng liềm để xí phần. Đợi lúc đứa con nhà giàu kia cùng mẹ đi khuất, mình mới nhặt lên, giấu trong áo. Chạy thật nhanh về nhà và ngồi trong một góc nào đó, phủi hết những đất cát còn vương trên bánh, nhai trệu trạo vì đôi lúc vẫn còn những hạt sạn. Có lẽ, đó là chiếc bánh ngon nhất của đời mình. Năm ấy, mình gần 9 tuổi…

Nhiều năm sau này, nhiều năm lắm, mình kể lại câu chuyện ấy. Và có cô em gái xứ Phan Thiết đã cảm thương, đọc xong câu chuyện của mình, cô em gái ấy đã mua 4 chiếc bánh trung thu, bọc lại rất cẩn thận và gửi cho mình kèm theo lời nhắn: “Hy vọng rằng cậu bé năm ấy được thêm một lần ăn bánh trung thu…..!”. Lúc nhận bánh, mình ngồi trong căn phòng trọ tồi tàn sau chuỗi ngày khủng hoảng, cẩn thận bẻ chiếc bánh đầu tiên ra và ăn chậm, thật chậm, từng chút một. Chiếc bánh ấy ngon hơn cả miếng bánh ăn dở nhặt được hồi xưa bé. Mình vừa ăn vừa khóc. Năm ấy, mình ba mươi mấy tuổi, phá sản, sống cùng cực và đầy bi quan…

Cô bé ấy, mình chưa một lần gặp mặt để cảm ơn! Nhưng tự trong sâu thẳm, lúc nào cũng nhớ tới bánh trung thu và lời nhắn nhủ của cô bé quê Phan Thiết ấy. Giờ, cô bé chắc sắp lấy chồng….

….Hồi ấy trung thu làm gì có đồ chơi như bây giờ.

Hãn hữu được cậu hay dì dắt đi chợ trung thu thì thập phần sung sướng, mà cũng kèm sau đó là buồn vì chả có mua gì cả, chỉ đi xem cho biết thôi. Uớc mơ ngày ấy nó cũng con con như cái đèn ông sao be bé hay cái trống quay quay mà có mãi đến hơn chục năm sau mình mới tự mua được, chỉ là, cảm giác nó không còn như lúc đầu.

Ngày ấy, mình còn chưa biết thế nào là nghèo, cũng chẳng ai dặn dò gì cả, dù nhìn gì cũng thích, thấy gì cũng thèm nhưng không dám đòi, chưa bao giờ đòi. Đôi lúc cậu dì hỏi “Thích không?” - “Thích!”.

Thế thôi.

Cái tính này nó ăn sâu đến tận lúc lớn. Bây giờ nghĩ lại thỉnh thoảng cũng thấy tiêng tiếc vì mình chưa bao giờ đòi, nếu cố công oằn- tà - là - vằn đòi thì có khi cũng được.. cũng nên. Cũng lại chỉ tiếc là bài học này mình thỉnh thoảng bị quên nên những lúc sau này mới phải tốn nhiều nước mắt đến vậy.

Mùa trung thu này, nếu ai đó có đi ngang qua những cô bé cậu bé, thấy những đứa trẻ ấy một mình ngắm nhìn những chiếc đèn lồng, những đèn ông sao, những đồ chơi nhỏ bé. Hãy dừng lại, và nếu có thể, mua cho những cô bé cậu bé ấy món đồ chúng thích. Vì biết đâu đấy, đó là mơ ước duy nhất của tuổi thơ, mà sau này có bao nhiêu tiền cũng không thể mua lại được cảm xúc lúc ấy nữa…

Hãy thử một lần xem!

Tiêu Dao