6 tháng, TPHCM phát hiện 724 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhuận Phẩm
gày 9/6, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM đã có báo cáo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2021, TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 15.270 cơ sở, phát hiện 724 cơ sở vi phạm, xử phạt 396 cơ sở với tổng số tiền hơn10 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 80.067 kg sản phẩm.

Trong đó, Cảnh sát môi trường phát hiện 171 vụ với số tiền phạt 3,5 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy 5.065 kg tang vật; Cục Quản lý Thị trường đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành và tham gia liên ngành về an toàn thực phẩm phát hiện có 266 vụ vi phạm, phạt tiền 3 tỷ đồng, tiêu hủy 67.070 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại.

Về công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Thành phố tiến hành giám sát an toàn thực phẩm tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu tại các chợ truyền thống. Trong tổng số 553 mẫu xét nghiệm nhanh có 511/553 mẫu đạt, 42/553 mẫu không đạt. Xét nghiệm nhanh chỉ tiêu methanol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, kết quả có 13/13 mẫu không phát hiện methanol. Đối với mẫu không đạt Đoàn đã đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức giám sát và xử lý theo quy định.

Ban Quản lý ATTP kiểm tra thủy hải sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. ẢNH: DUY TÍNH

Ban Quản lý ATTP kiểm tra thủy hải sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. ẢNH: DUY TÍNH

Ngoài ra, tình hình vận chuyển, chứa trữ, mua bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất của nhóm hàng thực phẩm không có chiều hướng giảm. Cục Quản lý thị trường TP đã kiểm tra nhiều vụ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.

Mặc dù Thành phố đã huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân với nội dung phù hợp với từng đối tượng, phương tiện truyền thông đa dạng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có thói quen mua hàng thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng, gián tiếp tạo điều kiện cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. Một số người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của thực phẩm kém chất lượng đối với sức khỏe hoặc xem nhẹ nguy cơ mất an toàn của thực phẩm kém chất lượng.

Ngoài ra, còn hiện tượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ, ngành nghề truyền thống, mùa vụ ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm.