Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Bài học từ đứa trẻ khiếm khuyết

Khi bạn than vãn sao mình không được như thế này, không có những cái kia như người khác hay có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống thì bạn hãy nghĩ đến một đứa trẻ “không bình thường” bạn từng biết hoặc từng vô tình bắt gặp.

Có thể đó là một đứa bé khiếm khuyết bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc trong nhận thức hay còn gọi là thiểu năng. Cháu ruột tôi là một em bé bị thiểu năng. Gia đình tôi chưa bao giờ mặc cảm hay xấu hổ vì điều đó. Bởi chúng tôi hiểu rằng, yêu một đứa trẻ bình thường bao nhiêu thì phải yêu đứa trẻ này bằng gấp nhiều lần nhiều lần hơn thế nữa. Riêng với tôi, tôi đã học được rất nhiều từ hình hài bé nhỏ ấy.

Gần 2 năm kể từ ngày gia đình tôi đón nhận tin đó. Thật sự là tin sốc bởi trước đó tất cả các giai đoạn khám thai kỳ, đo độ mờ da gáy và các xét nghiệm cần thiết đều cho chị gái tôi thấy con chị ấy hoàn toàn bình thường. Chỉ một ngày sau khi sinh các bác sĩ đã cho kết quả chắc chắn khi xét nghiệm đi xét nghiệm lại nhiều lần và kết luận “bé bị down bẩm sinh kèm theo nhiễm trùng máu và tim có một lỗ nhỏ”.

Lần đầu tiên tôi phải chứng kiến cảnh một người mẹ ở cữ không phải tại nhà mà tại căn phòng trọ tồi tàn, xập xệ trước cổng bệnh viện để chờ đến giờ vắt sữa lên cho con và vào thăm con đang nằm trong phòng cách ly theo dõi 24/24. Ngày thứ 5 sau sinh, dòng sữa mẹ đã hoàn toàn mất sau cú sốc tinh thần, người mẹ ấy đã khóc đến cạn cùng sức lực. Chị ngã gục vào người tôi, tự dằn vặt bản thân mình: “Chị là một người mẹ tồi, trong lúc con chị đang yếu như thế, đến một giọt sữa mẹ chị cũng không thể mang lại cho con. Nếu có thể xin ông trời để chị chịu đựng thay tất cả nỗi đau đó, cho dù phải đánh đổi cả tính mạng này chị cũng bằng lòng”. Tôi đã từng nói với chị tôi rằng “mỗi một đứa bé đến với thế giới này đều là một món quà của thượng đế ban tặng. Ta không có quyền lựa chọn nó nhưng hãy luôn trân trọng bởi đó là cơ duyên. Đi được bao xa cùng nhau mới là điều quan trọng”.

Bé Duy Khoa - Đứa trẻ khuyết tật giàu nghị lực

Sau một khoảng thời gian ngắn, chị tôi đã đủ mạnh mẽ để quyết tâm, chị không thể cứ khóc lóc ủ dột mãi như thế này được, chị phải thật kiên cường thì mới làm chỗ dựa cho con chị được. Dù chẳng biết nó sẽ đi cùng chị được bao lâu, bởi bác sĩ nói những bé bị như vậy sức đề kháng sẽ rất yếu, 5 năm đầu đời sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất. Tôi không biết bằng cách nào chị có thể vượt qua được nỗi đau đó, tôi chỉ biết gọi đó là tình mẫu tử.

Những ngày vào viện thăm cháu, nhìn những mũi kim chằng chịt cố định ở tay, ở chân một đứa bé mới vài ngày tuổi, tim tôi thắt lại. Đêm tôi chẳng dám ngủ, tôi ngồi ngắm nhìn khuôn mặt dễ thương ấy, thỉnh thoảng trên môi nó nở một nụ cười hồn nhiên, đáng yêu vô cùng. Có lúc bác sĩ lấy máu, tìm ven mãi không được, đành phải lấy máu ở trên đầu nhưng nó chỉ khẽ nhíu mày rồi lặng thinh không khóc. Đứa bé ấy thật kiên cường, nó đang chiến đấu để giành giật sự sống, để được lớn lên cùng những người thân yêu.

Giờ đây khi được gần 2 tuổi, cậu bé ấy vẫn đều đặn tháng đi viện ít nhất một lần vì trái gió trở trời. Những bước đi đầu đời của cậu đến chậm hơn những đứa bé khác. Cậu chưa thể thốt lên một từ nào rõ ràng. Thế nhưng mỗi lần vấp ngã cậu bé lại đứng lên, đôi chân không chắc chắn làm cậu thấy khó khăn, nhưng cậu không bỏ cuộc, cậu cố bám vào bất cứ thứ gì có thể để đứng lên, để tập tễnh đi được vài bước rồi té ngã với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Chưa bao giờ tôi thấy cậu bé nản chí, tôi nhận ra ở cậu bé một nghị lực khác hẳn với những đứa trẻ bình thường. Thay vì khóc mè nheo đòi bố mẹ thì cậu bé luôn tự đứng dậy và tập luyện để đến bây giờ, sinh nhật 2 tuổi cận kề, cậu bé đã có thể chạy lon ton ngã vào lòng mẹ.

Giây phút chứng kiến sự nỗ lực, quyết tâm của một cậu bé khiếm khuyết đã khiến bản thân tôi phải tự thay đổi. Tôi đón nhận mọi thứ dù tốt hay không tốt đến với mình một cách tích cực hơn. Tôi bớt than vãn về những ưu phiền trong cuộc sống và hoàn toàn từ bỏ ý định tiêu cực.

Trong lớp con tôi học cũng có 1 bé bị thiểu năng bẩm sinh và một bé bị khiếm khuyết trên cơ thể, tôi luôn hướng cho con tôi cái nhìn tích cực, hòa đồng, nói không với kỳ thị. Tôi dạy cho con tôi học hỏi những điều tốt từ bạn, học cách bạn đó thiếu một ngón tay nhưng vẫn tự xúc ăn và làm vệ sinh cá nhân. Tôi chăm quan sát những đứa trẻ như cháu của tôi để nhận được nhiều bài học hơn từ chúng. Bởi tôi nhận ra được song là một người bình thường, đó đã là hạnh phúc rồi!