‘Dám bị ghét’ - ngọn đèn sáng soi rọi tâm hồn tôi

Bằng cách này, hay cách khác tôi đã lờ mờ nhận ra chân lý “dám bị ghét” từ lâu, nhưng nó là những ý niệm mơ hồ, chưa được đúc kết; thật cảm ơn cuốn sách Dám bị ghét của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake đã như ngọn đèn sáng trong đêm soi rọi tâm trí rối bời và cho tôi thấy rõ hơn tôi cần làm gì.

Trong mỗi con người, có lẽ ai cũng khao khát được yêu thương và ngưỡng mộ, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Lớn lên trong một quá khứ bị “bắt nạt”, từng trải qua những đau đớn đến mức tự kỉ, và đã mắc phải những sai lầm đáng hối tiếc, nên tôi luôn khát khao tình yêu thương. Nhưng suốt thời gian học tập của mình, dù có muốn hay không, tôi vẫn là mục tiêu của sự bắt nạt. Tôi đã từng hỏi thượng đế: "Tại sao con luôn muốn làm điều tốt và được yêu thương, nhưng lại bị ghét bỏ? Con phải làm gì để được yêu thương?"

Bìa cuốn sách "Dám bị ghét"

Sau hơn mười năm vật lộn với cuộc sống, bên cạnh những thành công, tôi vẫn phải đối mặt với sự ghen ghét. Tuy tôi luôn tự nhủ rằng "Đời là thế!", nhưng bên trong, tôi vẫn luôn nghi ngờ: "Tại sao tôi lại bị ghét khi tôi muốn thân ái với mọi người?"... Rồi một ngày, khi tình cờ đi dạo trong nhà sách cùng vài người bạn mới (tôi đã quay trở lại làm sinh viên và tiếp tục bị một nhóm người nhắm tới), tôi vô tình nhìn thấy cuốn sách Dám bị ghét của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, được Nguyễn Thanh Vân dịch. Cuốn sách này ngay lập tức thu hút tôi, và tôi quyết định mua nó để tìm hiểu về một khái niệm mới lạ với tôi.

Cuốn sách này đưa người đọc vào cuộc trò chuyện giữa một chàng trai bất mãn với thế giới và một triết gia lạc quan, nhằm phản đối quan điểm rằng thế giới này luôn màu hồng và hạnh phúc của ông. Qua cuộc đối thoại, sách giới thiệu những ý tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler, nhấn mạnh vào việc lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta. Các chương cuốn sách mở ra những góc nhìn mới về nhiều khía cạnh của cuộc sống, không chỉ là về việc "dám bị ghét", mà còn về cách tiếp cận cuộc sống một cách tích cực và khách quan hơn.

Đoạn trích yêu thích của tôi là về "Dám bình thường".  Trong đó, triết gia và chàng trai tranh luận về việc những người “không đặc biệt” thường có “xu hướng nổi loạn”, và triết gia nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc “dám bình thường”. Nội dung cuộc hội thoại đơn giản, nhưng như tiếng trống thức tỉnh đánh thẳng vào tâm trí tôi. Với quá khứ bị đối xử thiếu công bằng, tôi đã luôn khổ sở để cố gắng chứng minh bản thân. Tôi đã luôn muốn trở nên đặc biệt, muốn mọi người nhìn thấy mình là một người tài giỏi với mong mỏi: qua đó, họ sẽ không coi thường tôi nữa, và không bắt nạt tôi nữa. Những điều này làm tôi mệt mỏi vì mọi thứ tôi làm hầu như đều để thỏa mãn cho người khác vậy có đáng hay không?

Tôi trầm tư trong suy nghĩ: tôi chỉ có một cuộc đời, tại sao tôi lại không sống cho mình, vì mình? Tại sao tôi không dành thời gian đó để chăm sóc cho bản thân tốt hơn, dành nhiều thời gian bên cha mẹ, hay những người có ý nghĩa trong cuộc đời tôi? Tôi chẳng cần đặc biệt để được tất cả mọi người ngưỡng mộ, tôi chỉ cần là chính bản thân mình, chỉ cần yêu thương những người xứng đáng trong cuộc đời mình… Và tôi đã bắt đầu hành động.

Tác giả Vũ Quốc Thắng

Mỗi ngày, thay vì chạy thẳng đến trường, tôi ghé về nhà ba mẹ cùng ăn bữa trưa, kể cho ông bà nghe những điều tôi học được. Tôi dành ra mỗi ngày 30 phút để tản bộ tại công viên để cơ thể tôi được vận động, cuối tuần thoảng tôi ghé thăm lần lượt những bà con xa, hay những người có ý nghĩa trong cuộc đời tôi, mang đến cho họ một chút quà, hay đơn giản chỉ là lời hỏi thăm hoặc một email từ tận đáy lòng cho người bạn cách xa vạn dặm… Cuối cùng tôi dành cho tất cả mọi người xung quanh, cả những người ghét tôi nụ cười chân thành. Có lẽ họ vẫn không ưa gì tôi, nhưng bây giờ tôi không quan trọng nữa, tôi không thể nhốt mình vào cảm tính của họ, tôi phải có một cuộc đời của chính mình.

Bằng cách này, hay cách khác tôi đã lờ mờ nhận ra chân lý “dám bị ghét” từ lâu, nhưng nó là những ý niệm mơ hồ, chưa được đúc kết; thật cảm ơn cuốn sách Dám bị ghét của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake đã như ngọn đèn sáng trong đêm soi rọi tâm trí rối bời và cho tôi thấy rõ hơn tôi cần làm gì. Tôi cũng cảm ơn bản thân mình vì thói quen đọc sách đã giúp tôi vượt qua nhiều sóng gió trong cuộc sống. Có lẽ một lúc nào đó, chúng ta phát hiện ra rằng bản thân chúng ta đang bị lừa dối, nhưng sách sẽ luôn là một người bạn tri kỉ, là người thầy với những kiến thức chuẩn mực đem đến cho chúng ta những lời khuyên đúng đắn. Xin trích lại một đoạn trong cuốn sách thay cho lời kết:

“Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu “can đảm” mà thôi! Nói một cách khác, bạn không đủ “can đảm để dám hạnh phúc”. Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa. Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.”

Tác giả: Holy Thắng

[daodienholythang@gmail.com]