“Bác sĩ gia đình”: Phòng ngừa và điều trị viêm ruột thừa

Nhuận Phẩm
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều cách để lưu ý phòng ngừa và điều trị viêm ruột thừa..

Người mẹ hớt hải chạy ra hỏi tình hình của cô con gái đang ôm bụng đau đớn ngồi trên ghế. Cô gái quay lại hỏi mẹ mình: “Mẹ ơi, vì sao con uống hai gói thuốc đau bao tử rồi mà nó chưa hết nữa. Hình như nó còn đau hơn nữa giờ con không thể di chuyển được.” Người mẹ thấy con mình càng đau đớn như vậy càng lo lắng, bà nói: “Hay để mẹ ngắt gió cho con, dưới quê ngày xưa đau đầu thì ngắt gió ở đầu giờ con đau bụng thì ngắt ở bụng rất nhanh sẽ hết thôi, con chịu đựng một chút. Hay là con uống vài giọt dầu gió vào ấm bụng sẽ đỡ.”

9-1664782026.png
Bác sĩ gia đình được phát sóng định kỳ lúc 12h50 chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Công ty Truyền Thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.

Thấy mẹ định đụng vào bụng của mình, cô gái nhanh chóng né đi, cô nói: “Mẹ đừng đụng vào bụng của con. Giờ nó đau lắm, con không thể đứng dậy được.” Nghe mẹ và em gái nói chuyện bên ngoài, người anh nhanh chóng bước ra hỏi chuyện. Nhìn thấy anh trai cô em nói về tình trạng của mình: “Lúc đầu nó ngay chỗ thượng vị xong rồi em buồn ói. Xong em nói mẹ, mẹ đưa cho em hai gói thuốc đau bao tử uống xong nó cũng không khỏi. Giờ nó chạy qua mé sườn phải, giờ đi không được đứng không xong.”

Sau khi nghe tình trạng của em mình, người anh nói: “Con nghĩ em nó bị đau ruột thừa rồi.” Người mẹ không tin phản bác: “Sao mà viêm ruột thừa được, chắc là nó ăn cái gì hoặc trúng gió rồi đau bụng thôi.” Người em cũng hoang mang khi nghe anh về bệnh viêm ruột thừa. Nhìn thấy mẹ và em gái cùng hoang mang lo lắng, người anh liền nhờ bác sĩ tư vấn để mọi người có thể hiểu rõ hơn về các triệu chứng của viêm ruột thừa.

8-1664782090.png
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn

Giải đáp các thắc mắc của các nhân vật trong tình huống, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn cho biết: “Ruột thừa của mình thường nằm ở bên phải, thông thường khi nó đau sẽ có một hệ thống thần kinh chi phối toàn bộ đường ruột. Cho nên có một số trường hợp khi bị đau sẽ đau ở thượng vị trước cảm giác giống như chúng ta bị viêm dạ dày. Sau một vài tiếng, cơn đau đó sẽ kéo về phía bên phải, cơn đau rất là dữ dội đôi khi sẽ kèm theo triệu chứng buồn nôn. Viêm ruột thừa còn kèm theo sốt nhẹ hoặc nặng tuỳ theo thể trạng. Điều quan trọng của người bị viêm ruột thừa thì phải khám thì sẽ thấy vùng bị sẽ phản ứng lại sau đó sẽ xác định lại vùng đó có bị viêm hay không. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp bị viêm ruột thừa rất mơ hồ, cơn đau chỉ thoáng qua nên bệnh nhân hiểu lầm các triệu chứng của bệnh lý khác nên đôi khi chúng ta để quá trễ so với viêm ruột thừa thành ra khi có những cơn đau ở vùng bụng chúng ta nên chú ý.”

“Những lưu ý phòng ngừa và điều trị viêm ruột thừa. Thứ nhất, nên đi khám ngay khi có triệu chứng đau bụng hay bất thường ở đường tiêu hoá. Thứ hai, duy trì một chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học, đặc biệt là giàu chất xơ, tránh dùng chất kích thích. Thứ ba, tăng cường vận động để nâng cao sức khoẻ. Thứ tư, sau phẫu thuật cắt ruột thừa, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng không bưng bê vật nặng hoặc tham gia các hoạt động quá sức. Thứ năm, nên ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước và thức uống không chứa caffeine, tránh thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ để ngăn ngừa táo bón sau phẫu thuật. Thứ sáu, sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau dưới sự tư vấn của bác sĩ. Thứ bảy, người bệnh cần tái khám sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất viện.”