Còn lại gì sau cơn đại dịch?

Hoàng Trường
Có lẽ sau khi đại dịch đã được kiểm soát và người dân lại có thể hoạt động, làm việc như ban đầu. Nhưng vẫn còn những thứ mà dẫu cho cơn dịch bệnh có đi qua, cũng không thể nào có lại được.
oip-34-1632807972.jfif
Sài Gòn đang dần trở lại cuộc sống bình thường, nhưng có lẽ vẫn không thể nào bù đắp được những mất mát, đau thương

Ngày bé người ta thường luôn ấp ủ trong người một niềm hi vọng rằng: Sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng ngay lúc này đây, người ta mới thấy được sau những cơn mưa ấy còn rất nhiều những tàn tích cho dù ánh nắng chan hòa cách mấy cũng không thể làm dịu đi. Mấy hôm nay khi nghe tin thành phố sắp được nới lỏng và hồi phục kinh tế trở lại, người dân trong cả nước ai cũng reo mừng như thoát khỏi được sự “giam cầm”.

Nhưng mọi người có ai trong chúng ta nghĩ rằng, liệu khi thành phố mở cửa lại mọi thứ vẫn như bình thường chứ. Tôi thì không chắc như vậy! Lướt nhanh đọc những tờ báo trên mạng xã hội, tôi dường như nhận ra những điều kinh hoàng. Những cô chú bán hàng ở những góc đường quen thuộc mà tôi từng đi qua, đã bị cơn đại dịch quái ác cướp đi lúc nào không hay.

Nhớ những khi tan làm như một thói quen thường lệ, tôi lân la những quán xá quen thuộc trên khắp các nẻo đường Sài Gòn. Rồi khi chọn được quán nào ưng ý thì tấp xe vào mà dung nạp năng lượng cho cơ thể. Vẫn là tiếng nói quen thuộc của cô bán hủ tiếu gõ:

Như cũ đúng không cháu

Hay tiếng nói nhanh nhẩu lẹ làng của cô bán trà sữa gần trường Vân Đồn:

Uống gì con ơi

Trải qua một thời gian dài, nghe những tiếng kêu tiếng gọi ấy, tôi như cảm giác mình trở thành những đứa con thân thuộc của các cô bán hàng ấy tựa lúc nào không hay. Rồi giãn cách đến, không còn những tiếng gọi thân thuộc ấy, tôi thấy lòng mình như trống rỗng. Đáng buồn hơn, mặc dù mai đây thành phố có nhộn nhịp trở lại, nhưng có lẽ bóng dáng của những gánh hàng gánh quen thuộc mà tôi hay lui tới sẽ không còn tồn tại nữa. Không phải vì người ta chê mảnh đất Sài Gòn chật hẹp, xa hoa. Mà chủ của những gánh hàng ấy đã ra đi mãi mãi, không quay đầu trở lại.

Tôi còn hỏi với đám bạn rằng “Việc đầu tiên mày sẽ làm sau khi hết dịch là gì?”. Nó chỉ cười nhẹ nhàng rồi đáp “Tao sẽ dẫn mẹ tao lên chùa để về với Phật”. Khi nghe những câu nói hồn nhiên của nó tôi cảm nhận có gì đó tan nát cõi lòng. Tôi biết rằng, trong những câu nói ấy chứa đựng cả những nổi buồn của một đứa trẻ, nhưng biết an ủi làm sao bây giờ. Câu nói của nó làm tôi như bừng tỉnh trong một không gian tỉnh mịch. Tôi hiểu được dù thành phố có thoát khỏi cơn đại dịch, mọi người lại được trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng mẹ thì không bao giờ trở lại với nó nữa.

photo1631710952494-1631710952619818816774-1632807972.jpg
Đã có vô số trẻ em mồ côi sau cơn đại dịch

Tôi biết rằng, ngoài xã hội bao la rộng lớn kia đã có biết bao nhiêu người con đã trở thành những đứa trẻ mồ côi trong cơn đại dịch. Và dẫu cho mọi thứ có xoay chuyển như thế nào đi chẳng nữa. Họ cũng chẳng còn có thể nghe những lời trách móc và tiếng gọi “con ơi!”. Ngày mẹ đi cách ly cùng đoàn xe trắng xóa, mẹ hứa rằng “Mẹ đi nhanh lắm sẽ trở về ngay với con. Con ở nhà nhớ ăn uống thật nhiều và đừng thức chơi game”. Nhưng có lẽ đó chính là lần cuối cùng con được gặp mẹ, được nghe giọng nói trẫm bồng ấy. Rồi đến hôm nay con nhận được tin mẹ đã không còn….

Độ nhỏ tôi không tin

Người thân yêu sẽ mất

Hôm ấy, tôi sững sờ

Và nghi ngờ trời đất..

Trải qua những điều giông bão của cuộc đời, người ta mới nhận ra những nghịch lý của cuộc đời rằng “Khi chúng ta có mọi thứ trong tay, chúng ta sẽ chẳng hề biết quý trọng, nhưng khi chúng mất đi rồi, ta mới thấy sự xót thương”. Nếu ai còn có mẹ có cha, hãy quý trọng mẹ cha như những vì tinh tú. Bởi khi họ thật sự mất đi rồi, con chẳng biết tìm đâu.

Hoàng Trường