Hiểu được nguyên nhân gây mụn để chăm sóc da mụn hiệu quả

Hoàng Trường
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Chuyên khoa Da liễu - Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM: Mụn trứng cá là bệnh lý về da được quan tâm rất nhiều, mụn dễ gây khó chịu, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm ảnh hưởng đến tâm lý.

Đây là thông tin vừa được Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Chuyên khoa Da liễu - Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ tại chương trình ‘Vui khỏe đẹp mỗi ngày’. Đây là chương trình giúp khán giả hiểu hơn về mụn trứng cá và bổ sung kiến thức chăm sóc da mụn đúng cách ở tuổi dậy thì.

Vui khoe moi ngay
"Vui khỏe đẹp mỗi ngày" phát sóng lúc 16h thứ 2 hàng tuần trên kênh THVL1

Mụn trứng cá là một vấn đề về da liễu được nhiều người quan tâm, mụn trứng cá thường khởi phát nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì và những năm sau đó. Không chỉ gây khó chịu cho da, mụn trứng cá còn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, dễ khiến người bệnh cảm thấy tự ti, tác động không tốt đến tâm lý mỗi người. Trong tình huống tuần này, coi con gái út vừa dậy thì và bắt đầu xuất hiện mụn trên da mặt. Người mẹ cho rằng con gái đã lớn nên không suy nghĩ nhiều và đề nghị con gái lớn sẽ giúp em nặn mụn nhưng không được đồng ý, cô con út cho rằng như vậy sẽ gây nhiễm trùng nhiều mụn hơn. Và con gái út đã đòi mẹ mua sữa rửa mặt chuyên cho da mụn để dùng nhưng mẹ và chị không đồng ý vì nghĩ đó chỉ là quảng cáo và không hiệu quả, bất lực nên con gái út phải nhờ đến bác sĩ tư vấn rõ hơn.

Là chuyên gia xuất hiện trong chương trình tuần này, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cho biết: “Mụn trứng cá là bệnh lý về đơn vị nang lông, tuyến bã. Nang lông, tuyến bã có nhiệm vụ tiết bã nhờn làm trơn láng da góp phần duy trì trạng thái khỏe mạnh của da. Mụn trứng cá thường xuất hiện ở những vị trí tuyến bã hoạt động nhiều như trên mặt, thân trên (ngực, lưng trên, phần trên cánh tay,...)”.

Có hai dạng: Mụn viêm có triệu chứng sưng, nóng đỏ, đau (mụn bọc, mụn mủ, sẩn,...); mụn không viêm là mụn có nhân trứng cá, có cồi mụn nổi lên da mặt da (cồi đen, cồi hở), mụn không viêm có nhân trứng cá nằm sâu dưới da màu trắng sữa (mụn ẩn, mụn kín, cồi trắng).

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương cho biết: “Mụn trứng cá hình thành dựa trên 3 yếu tố: Tăng tiết bã nhờn, tăng sừng phễu nang lông, vi khuẩn C.acnes. Và nguyên nhân thúc đẩy tăng sinh mụn trứng cá có nhiều yếu tố như: Nội tiết do hành kinh, giai đoạn dậy thì; do di truyền, căng thẳng tâm lý, do sử dụng một số loại thuốc, mỹ phẩm hoặc do chế độ ăn ngọt, nhiều sữa, chất béo,...”.

Mụn trứng cá nếu không xử lý tốt và không chăm sóc da mụn đúng cách sẽ để lại sẹo vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tâm lý. Theo bác sĩ, sau tuổi dậy thì mụn trứng cá sẽ dần biến mất, nhưng những vết sẹo do mụn để lại rất khó lành, vì vậy việc chăm sóc da tuổi dậy thì rất quan trọng.

Phải hiểu về da mới có cách điều trị hiệu quả

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, không nên nặn mụn non để tránh nhiễm trùng da, tránh phá hủy cấu trúc da, gây sẹo. Chuyên gia khuyến cáo, có thể nặn mụn đối với các trường hợp mụn chín đỏ đau, hoặc có cồi trắng nhưng nên để những người chuyên chăm xong da thực hiện, đặc biệt cần lưu ý không nặn mụn ở khu vực 1/3 giữa mặt, vì có khả năng dẫn đến nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Ngoài ra, bác sĩ còn chia sẻ thêm về cách chăm sóc da mụn hiệu quả ở tuổi dậy thì: Làm sạch, dưỡng ẩm, chống nắng; Đồng thời tránh căng thẳng, uống đủ nước, hạn chế ăn ngọt, béo, sữa,...