Người bán hương làng Thủy Xuân quyên tiền cho trẻ ung thư

Nhuận Phẩm
Dù nắng hay mưa, bệnh dịch khiến làng hương vắng khách, mệ Tuyết vẫn bán hàng để có tiền giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Những ngày cận Tết, 7h sáng, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết đã tất bật dọn hàng, xòe những bó chân hương rực rỡ sắc màu lên kệ, treo những chiếc nón lá lên trên cao. Hễ có khách đi qua, bà mời đon đả bằng giọng Huế: "Con ơi, chụp ảnh đi con". Dáng người nhỏ thó, lưng còng lại nhanh tay kê ghế, lấy nón lá cho khách.

Bà Tuyết năm nay hơn 70 tuổi, làm nghề hương trong làng Thủy Xuân.

Bà Tuyết năm nay hơn 70 tuổi, làm nghề hương trong làng Thủy Xuân, tháng 1/2022 Ảnh: Đậu Anh Văn.

Bà Tuyết không nhớ năm nay mình bảy mấy tuổi, chỉ biết đã theo ông ngoại làm hương trầm từ năm lên 9 và gắn bó với làng hương Thủy Xuân mấy chục năm nay. Nằm cách TP Huế khoảng 7 km về hướng tây nam, đây là làng hương truyền thống lớn nhất xứ Huế nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Những năm gần đây, làng hương là điểm đến quen thuộc của du khách khi đến xứ Huế. Những người làm hương như bà Tuyết có thêm công việc bán hàng lưu niệm, đón khách tham quan. Với bà, khi có nhiều người quan tâm, lan tỏa nghề truyền thống của làng, đó là điều vui nhất.

Nhưng không phải ai cũng đến Thủy Xuân vì những bó hương sắc màu. Nhiều người đến để tìm mệ Tuyết khi nghe câu chuyện suốt 7 năm dành phần lớn lợi nhuận bán hàng cho tặng trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Cái duyên đưa bà đến với việc thiện nguyện là trong một lần vào viện thăm bạn thân bị ung thư. Bà gặp một em nhỏ khoảng 5 tuổi với một mắt đã không còn, một mắt sưng tấy, hỏi thăm gia đình mới biết bé bị ung thư giác mạc. Khi ấy bà dồn hết tất cả được 100.000 đồng nhưng người bạn thân của bà có tâm nguyện dành số tiền đó cho đứa trẻ tội nghiệp. "Mệ biết mình phải thương trẻ ung thư, giống như cái duyên cho mệ gặp gỡ", bà Tuyết nói.

Kể từ đó, cứ mỗi tháng những bệnh nhi của khoa Ung Bướu lại nhận được một bì thư có 100.000 đồng và ít bánh kẹo của mệ Tuyết. Bà biết 100.000 đồng không là gì với những gia đình khá giả nhưng với bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, đó là sự động viên với họ.

Hàng bán hương và đồ lưu niệm của mệ Tuyết ở làng Thủy Hương, tháng 1/2022. Ảnh: Đậu Anh Văn.

Hàng bán hương và đồ lưu niệm của mệ Tuyết ở làng Thủy Xuân, tháng 1/2022. Ảnh: Đậu Anh Văn.

Bà nhớ lần đầu tiên đến viện, vì chưa quen với việc tặng quà mà thiếu phần của 7 đứa trẻ ở phòng 508. Nghe chúng bảo "mệ ơi con chưa có", bà Tuyết khóc run bần bật. Ôm lũ trẻ vào lòng và hứa ngày mai sẽ quay lại, song mệ Tuyết rất lo vì ở nhà cũng không còn tiền.

May mắn hôm sau, lần đầu tiên bà bán được bốn bức tranh cùng một lúc. Người họa sĩ vẽ tranh cũng nói dành tặng bà cả vốn lẫn lãi là 800.000 đồng để vào viện thăm trẻ em. Từ khi làm thiện nguyện, không ít lần bà có duyên được nhiều người đồng hành, giúp đỡ như vậy. Với người phụ nữ xứ Huế, đó cũng là sự màu nhiệm của cuộc sống.

Suốt hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có lúc phải đóng cửa hàng, bà vẫn duy trì đều đặn một tháng một lần tới viện hoặc gửi quà nếu không được vào. Có những ngày cả làng hương không một bóng người, hàng quán xung quanh đóng hết, bà vẫn mở cửa với hy vọng có khách tới và có quà cho trẻ nhỏ.

Bà Tuyết trong chuyến thăm trẻ em ở Bệnh viện Trung ương Huế năm 2020. Ảnh: Đậu Anh Văn

Bà Tuyết trong chuyến thăm trẻ em ở Bệnh viện Trung ương Huế năm 2020. Ảnh: Đậu Anh Văn

Đậu Anh Văn, sinh viên năm hai của Trường Du lịch - Đại học Huế là một trong nhiều sinh viên khác đang đồng hành cùng mệ trong chuyến thiện nguyện.

Anh chia sẻ năm đầu từ Nghệ An tới TP Huế học, anh được bạn bè giới thiệu tới thăm làng hương, đặc biệt là quán mệ Tuyết. Ấn tượng ban đầu của anh về bà là dáng người nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, đặc biệt rất niềm nở, đôn hậu với du khách. Sau nhiều lần tới thăm, biết bà thường thiện nguyện ở bệnh viện nên anh xin đi cùng suốt năm qua.

Anh Văn chia sẻ dù rằng đi cùng nhưng tất cả chi phí quà tặng đều do bà Tuyết chuẩn bị, nhóm sinh viên chỉ phụ bê vác hoặc gửi tới viện trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

"Có những ngày mình xuống thăm mà thấy mệ chỉ ăn chiếc bánh mì khô cùng sữa cho xong bữa. Mệ cứ thanh minh rằng mình già rồi nên chỉ ăn uống đơn giản", Văn nhớ lại. Sinh viên ở các trường biết chuyện, thường giúp đỡ bà bằng cách giới thiệu du khách, bạn bè tới thăm, trò chuyện và mua hàng cho bà.

Kim Phụng (30 tuổi) cũng là người đồng hành cùng bà Tuyết sau lần có duyên gặp gỡ tại làng hương. Cô cho biết có tháng bán ít hàng, bà Tuyết dành 5-6 triệu còn đông khách hơn thì 10-12 triệu đồng để dành tặng cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. "Dù rằng chia đều ra số tiền không lớn nhưng là sự động viên tích cực với các cháu nhỏ, điều đó có thể thấy qua mỗi lần mệ đến chúng quấn mệ lắm", Phụng nói.

Hiện Phụng công tác ở Quảng Trị nên không thể thường xuyên về nhà và đi cùng bà nhưng hễ có ai hỏi thăm tới Huế chơi, cô sẽ giới thiệu đến quán mệ Tuyết để giúp bà hoàn thành tâm nguyện.