Nguyễn Ngọc Ánh - cô gái từ bỏ công việc ổn định đi nhặt rác với ước mơ làm sạch Việt Nam

Nhuận Phẩm
Có người bảo Ngọc Ánh 'lo chuyện bao đồng' nhưng chị mặc kệ tất cả bởi lẽ trong tim cô gái này chỉ có một mối quan tâm duy nhất là làm sao để làm sạch Việt Nam.

Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều về việc môi trường đã bị ô nhiễm thế nào, trái đất hư tổn ra sao. Nhưng những lời hô hào “đao to, búa lớn” đôi khi lại chẳng bằng một hành động nhỏ từ mỗi cá nhân. “Góp gió thành bão”, nhặt một mẩu rác, từ chối nhận một chiếc túi nilon cũng khiến môi trường bớt đi một gánh nặng.

Không thể phủ nhận rằng, thế hệ trẻ hiện nay đang dần sống thân thiện hơn với môi trường. Không quá dữ dội nhưng dai dẳng, mỗi cá nhân đều lựa chọn cho mình một lối sống xanh khác nhau. Người mang bình nước cá nhân thay cho ly nhựa, người dùng ống hút tre, nhưng cũng có người đi nhặt rác dọc cả đất nước như chị Nguyễn Ngọc Ánh dưới đây.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Tài chính – Hải quan (giờ là ĐH Tài chính – Marketing), có việc làm ổn định nhưng cô gái sinh năm 1996 này lại quyết định nghỉ việc một thời gian dài chỉ để đi dọc miền đất nước nhặt rác. Có người bảo chị “lo chuyện bao đồng” nhưng chị mặc kệ tất cả bởi lẽ trong tim Ngọc Ánh chỉ có một mối quan tâm duy nhất là làm thế nào để làm sạch Việt Nam.

– Cơ duyên nào đưa chị đến với việc nhặt rác để làm sạch môi trường?

Mình được truyền cảm hứng từ chị Bình Yên – Người đi nhặt rác rất tâm huyết ở Việt Nam hiện tại. Mình thấy rất ngưỡng mộ và trân quý những hành động đẹp đó. Không chần chừ, mình quyết định đi Vũng Tàu và nhặt rác, lúc đó chỉ có một mình thôi. Ngồi nhìn những bao rác đã nhặt được ngoài bãi biển, mình cảm nhận có lẽ đây là sứ mệnh của mình rồi. Mình muốn bảo vệ môi trường, muốn bảo vệ mẹ thiên nhiên, muốn dành thật nhiều thời gian, công sức cho cộng đồng.

– Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã đi qua bao nhiêu tỉnh thành để nhặt rác?

Các tình nguyện viên và mình đã đi qua gần 30 tỉnh thành rồi, số lượng bãi rác mà mình dọn cũng đã hơn con số 100, quy ra số bao rác tầm khoảng gần 30.000 bao. Bên cạnh đó, mình cũng đi qua 5 ngôi trường để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Các em thích lắm, đòi đi theo nhặt rác hoài luôn. Về sau, không có mình, các em tự thành lập những nhóm nhỏ để tiếp tục làm sạch khu vực đang sống. Các em chính là những “truyền nhân” để duy trì hành động tốt đẹp này.

Có một điều mà người khác luôn thắc mắc đó là tại sao bọn mình luôn mặc áo đồng phục cờ đỏ sao vàng. Đó là để thể hiện rằng bọn mình không đại diện cho một tổ chức nào hết, chỉ đơn giản là người Việt Nam thôi. Và khi bạn bè quốc tế nhìn vào, họ cũng nhận diện được đất nước của chúng ta và hiểu rằng người Việt cũng hết lòng, hết sức vì môi trường.

– Trong suốt hành trình nhặt rác qua 30 tỉnh thành, đối với chị, kỷ niệm nào đặc biệt nhất?

Thật sự mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng và cái nào cũng đều đặc biệt cả nên mình cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Vui nhất có lẽ là hồi đầu tháng ba, trong chuyến đi làm sạch Phước Hải, Vũng Tàu. Mặc dù trời rất nắng và nóng nhưng ai cũng hạnh phúc cả. Bọn mình không chỉ chăm chăm nhặt rác mà còn vui chơi với nhau, gặp gỡ và tuyên truyền với những người dân địa phương. Bên cạnh đó, bọn mình còn rất tự hào vì làm sạch được địa điểm du lịch như Vũng Tàu. Chỉ cần nghĩ đến việc du khách họ cảm nhận được sự trong lành nơi đây là đã hãnh diện lắm rồi.

Xa hơn, có một lần mình đến trường THPT Trần Văn Toản ở Đăk Lăk, đây cũng là lần đầu tiên mình đưa việc bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa vào học đường. Mình tổ chức nhặt rác và làm mô hình con cá bống ăn rác thải nhựa,… Càng làm, mình càng thấy có rất nhiều người đồng hành và cùng chung lý tưởng với mình. Thật sự chuyến đi lần ấy đã khiến mình thêm vững tin hơn vào công việc mình đang làm.

– Những khó khăn chị gặp phải trong quá trình nhặt rác của mình là gì?

Khó khăn đầu tiên chính là xin phép chính quyền địa phương vì bọn mình tập hợp đông người, địa phương họ cũng lo lắng về vấn đề an ninh, trật tự và an toàn cho cả những người tham gia nhặt rác, do đó, mình phải thuyết phục và cam kết an toàn với họ.

Thứ hai là trong quá trình làm, có một số người không tham gia còn phán xét và chưa hiểu mục đích của nhóm. Mặc dù nhóm rất quyết tâm nhưng thỉnh thoảng, người ta vẫn nói rằng đây chỉ là trào lưu nhất thời, sớm nở rồi cũng chóng tàn, rồi bọn mình “làm màu” các thứ,… Có buồn đôi chút nhưng ai cũng quyết tâm chứng mình rằng đây không phải chỉ là trào lưu nhất thời và sự thật là đến hiện tại, bọn mình đã duy trì công việc này cũng khá là lâu rồi.

Thứ ba là làm sao để tập hợp đông đủ mọi người và lo cho chuyến đi được chu đáo nhất. Ai cũng có công việc riêng và những khó khăn nhất định. Là người đứng ra tổ chức, mình cũng phải cân đo đong đếm thời gian thực hiện, liên hệ tài trợ, xin phép chính quyền địa phương,… Những người tham gia, họ có thể thiếu này, thiếu kia nhưng nhiệt huyết, tấm lòng lại luôn có thừa, do đó mình cảm thấy như được truyền thêm sức mạnh từ mọi người.

Cuối cùng là có những khu vực thật sự nguy hiểm, nơi đó, rác không chỉ có mỗi nilon, giấy vụng mà còn có cả thủy tinh vỡ, kim tiêm,… Lúc ấy, mọi người đều dặn dò nhau cẩn thận nhất có thể, chuẩn bị các dụng cụ bảo hộ và thiết bị y tế cần thiết..

– Làm sao để các anh, chị bảo vệ mình khi tiếp xúc với những khu vực nhặt rác tiềm ẩn nhiều mối nguy như vậy?

Khi đi nhặt rác, mình và các bạn đều đã được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân. Bọn mình cũng có đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ, từ bao tay cho đến ủng đều được mang nhiều lớp, sử dụng cây gắp cho những khu vực nguy hiểm và tuyệt đối không mạo hiểm nhặt rác ở những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những nơi nguy hiểm, bọn mình sẽ tìm hướng giải quyết hiệu quả nhất, thậm chí là nhờ địa phương hoặc các cơ quan về môi trường khác hỗ trợ. Đến nay, bản thân mình và những người đồng hành chưa gặp phải một ảnh hưởng sức khỏe nào cả.

– Việc bảo vệ môi trường có rất nhiều hoạt động, tại sao chị lại lựa chọn đi nhặt rác – một công việc được cho là khá nặng và gần như là “công dã tràng” nếu ý thức người dân về việc bỏ rác đúng chỗ chưa được cải thiện?

Mình chọn đi nhặt rác trong vô số các hoạt động bảo vệ môi trường khác bởi vì đó là công việc cực nhất. Nếu ai cũng sợ, cũng né tránh thì đến cuối cùng, ai sẽ làm công việc này? Dù vất vả, nhưng đi nhặt rác thật sự mang lại nhiều cảm xúc và hiệu quả. Bọn mình muốn mọi người thấy rằng không phải ai đi nhặt rác cũng là những người vô công, rỗi nghề, không có học thức. Vì biết nhận thức, chúng mình mới hành động vì môi trường.
Những hành động ấy nhanh chóng truyền cảm hứng cho rất nhiều người về lối sống xanh, sống trách nhiệm và có những hành động thiết thực để bảo vệ môi truường. Và những người đi nhặt rác, về sau họ không bao giờ xả rác, vì chính tay họ nhặt lên thì nỡ lòng nào, họ lại xả xuống một lần nữa. Hy vọng những hành động từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Nhặt rác là công việc chính nhưng bên cạnh đó, bọn mình còn làm rất nhiều hoạt động khác như: Đổi rác lấy quà, thu gom hạt để trồng cây, tổ chức các cuộc thi bảo vệ môi trường trong học đường,…

– Có một thời gian dài, chị đã nghỉ việc để đi nhặt rác. Khi ấy, chị xoay sở tài chính như thế nào?

Hồi ấy mình đi nhiều lắm, có khi một tuần đi đến 5 tỉnh. Thời gian đó, mình làm một công ty phần mềm theo giờ hành chính từ thứ hai đến thứ bảy. Thời gian của hai việc không phù hợp với nhau, mình bắt buộc phải chọn một. Theo đuổi đam mê, sứ mệnh mà trái tim mách bảo hay tiếp tục công việc văn phòng, điều này làm mình suy nghĩ nhiều. Cuối cùng mình chọn nghỉ việc một thời gian, sau đó sẽ tìm một việc làm khác linh hoạt về giờ giấc để có thể đi nhặt rác.

Mình làm ở công ty ấy vài năm sau khi ra trường, mức lương cũng khá ổn định và thoải mái trong cuộc sống nhưng mình chưa bao giờ hối hận vì xin nghỉ việc ở đấy. Thật sự sau khi nghỉ, mình cũng hơi hoang mang một chút nhưng mình thật sự khao khát muốn đi, muốn nhặt rác làm sạch Việt Nam. Mình chỉ nghĩ đơn giản:” Khi mình còn trẻ, còn khỏe và tràn đầy năng lượng thì cứ cống hiến hết mình thôi”.

Về kinh phí, bọn mình một phần tự bỏ ra, một phần được một số mạnh thường quân ủng hộ vì không phải ai cũng có kinh tế đủ vững để lo hết mọi thứ từ đi lại cho đến ăn uống, đồ bảo hộ,… Còn về phần mình, sau một thời gian đi làm, mình cũng dư một ít nên không quá lo lắng. Hiện tại, mình đã đi làm lại rồi. Mình chọn một công việc tự do về giờ giấc và không bắt buộc phải ngồi văn phòng, do đó, mình có thể vừa thỏa mãn đam mê làm sạch môi trường, vừa có thể kiếm tiền để lo cho cuộc sống.

– Gia đình chị nói thế nào về quyết định này nghỉ việc khi ấy?

Gia đình mình không phản đối gay gắt như nhiều gia đình khác, anh chị em đều ủng hộ và tôn trọng quyết định của mình. Còn ba mẹ ở quê, khi thấy mình đi xa, thức đêm thức hôm, da thì vừa đen vừa mụn, thời gian đầu có phần hơi lo lắng. Ba mẹ nào cũng đều muốn tốt cho con cái cả và lúc ấy, họ không hiểu tại sao con mình tốt nghiệp đại học ra mà phải đi nhặt rác như vậy. Thế nhưng càng ngày, họ càng hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường nên hoàn toàn ủng hộ mình. Hiện tại, mỗi khi thấy con gái được lên TV, lên báo thì vui lắm. Vui không phải vì con mình được nổi tiếng hay gì khác, mà vui vì cuối cùng, con gái đã có thể mang lại và lan truyền đi những ý nghĩa tốt đẹp, tích cực cho xã hội.

– Vừa làm việc kiếm tiền lại vừa hoạt động vì cộng đồng, chị có bao giờ cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái “quá tải”?

Để tổ chức được một buổi nhặt rác, mình tốn khá nhiều thời gian để chuẩn bị. Ban ngày đi làm, ban đêm mình sẽ lên kế hoạch và trao đổi cùng với tình nguyện viên. Nói không mệt thì thật sự là đang dối lòng, thỉnh thoảng, có những chuyến đi gần như là quá sức với mình nhưng chỉ cần nghĩ đến đồng đội xung quanh, những lời động viê ủng hộ của rất nhiều người và ý nghĩa công việc mình đang làm là mọi mệt mỏi đều tiêu tan.

Ai cũng nói mình nên dành thời gian tận hưởng cuộc sống, chăm sóc bản thân nhưng thật sự mình đã tận hưởng rồi đấy chứ, ngay trong lúc mình nhặt rác luôn vì mình được làm điều mình thích và thật sự ý nghĩa với xã hội. Còn về sức khỏe, nhóm mình cùng nhau dậy sớm và tập thể dục nên từ những ngày bắt đầu nhặt rác, mình chưa từng phải uống một viên thuốc cả, khỏe mạnh hơn cả lúc mình chỉ làm việc văn phòng.

– Đến khi lập gia đình, nếu chồng muốn chị ở nhà chăm sóc gia đình, con cái, chị sẽ làm gì?

Vì là con gái nên mình cũng đã suy nghĩ đến chuyện đó. Hiện tại, mình không làm một mình, mình làm cùng rất nhiều tình nguyện viên khác nữa. Do đó, nếu sau này công việc, gia đình khiến mình không còn thời gian để hoạt động xã hội, mình vẫn sẽ đứng sau hỗ trợ các bạn. Lúc ấy, mình không nhất thiết phải trực tiếp đi nhặt rác, thay vào đó, mình sẽ lên kế hoạch, xin tài trợ, xin phép chính quyền địa phương giúp những bạn trẻ thay thế mình. Không cách này thì bằng cách khác.

Còn về chồng tương lai, mình sẽ chọn một người biết cảm thông và tôn trọng mọi quyết định của mình. Thật sự mình không quá lo lắng về chuyện này.

– Ý nghĩa lớn nhất mà chị nhận được từ hoạt động nhặt rác này là gì?

Ý nghĩa quan trọng nhất với mình chính là việc nhìn thấy Việt Nam ngày một sạch hơn. Mình luôn hy vọng vào một ngày nước ta không còn rác nữa, và mình tin, nếu mọi người đồng lòng, điều này không có gì là khó cả.

Bên cạnh đó, mình cũng nhận được nhiều sự yêu quý của người dân xung quanh và những người yêu môi trường trên khắp đất nước. Cứ đi đến đâu, dân địa phương lại mang đồ ăn, nước uống và hỗ trợ mình hết lòng đến đấy. Thật sự những tình cảm ấy không có gì quý bằng. Và biết đâu rằng, nhờ hành động của mình, tự họ lại tổ chức những cuộc dọn rác khác để duy trì và lan tỏa thành quả ngày hôm nay.

– Kế hoạch tương lai của chị như thế nào?

Mình dự định sẽ có nhiều dự án về môi trường hơn nữa trong năm nay. Mong muốn lớn nhất của mình chính là cùng những người đồng hành đi dọn rác khắp 63 tỉnh thành của đất nước. Không chỉ dừng lại ở việc nhặt rác, mình còn muốn đưa việc bảo vệ môi trường vào trường học, vì học sinh chính là những thế hệ tiếp nối quý giá nhất. Ngoài ra, mình cũng dự định thực hiện dự án trồng cây phủ xanh đồi trọc, tổ chức những chuyến thiện nguyện cho trẻ em nghèo, mồ côi và người già neo đơn,…

Cảm ơn Ngọc Ánh về những chia sẻ trên!