Những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật sân khấu cải lương nước nhà!

Hoàng Trường
Cải lương từ lâu đã trở thành một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này, biết bao thế hệ nghệ sĩ gạo cội đã nung nấu niềm tin và cống hiến hết mình cho sân khấu

1. NSND Phùng Há

anh-cho-2-1433084600400-1623081839.jpg
Bà được xem là một trong những vị tổ của nghệ thuật sân khấu cải lương

Phùng Há, tên thật là Trương Phụng Hảo là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam cùng với nghệ sĩ Bảy Nam. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Một trong những ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.

Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà đó là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và rất được công chúng rất yêu thích.

Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn. Trong hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: "Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai".

2. NSND Bảy Nam

Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam (1913 – 2004) là một trong những nghệ sĩ lớn của sân khấu cải lương cũng như kịch nói Việt Nam, bà cùng với NSND Phùng Há được xem là "vị tổ của bộ môn cải lương".

nsnd-bay-nam-5-1623081839.jpg
NSND Bảy Nam (trái) cùng NSND Kim Cương trong vở "Lá sầu riêng"

Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà, đó là vở "Lá sầu riêng" và "Bông hồng cài áo". Chỉ hai vở ấy thôi cũng đủ chứng minh tài năng tuyệt vời, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với vô số kịch bản: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung...

NSND Bảy Nam được xem là một nghệ sĩ tài năng. Bà được giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét: “Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quí hiếm ấy”.

3. NSND Ngọc Giàu

NSND Ngọc Giàu tên đầy đủ là Phong Thị Ngọc Giàu (sinh ngày 13 tháng 7 năm 1945) là nghệ sĩ cải lương, quê gốc ở Huế, Việt Nam. Bà hoạt động ở lĩnh vực cải lương, hài kịch và phim ảnh.

r5f19291886e196fcc3d1844246be8e71-1623081839.jfif
Bà "má" của những thế hệ nghệ thuật sân khấu

Sau hơn một năm cùng đoàn đi lưu diễn khắp các tỉnh từ miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1958, về đến Sài Gòn, Ngọc Giàu được chủ rạp hát Hưng Đạo mời dự lễ khai trương, đồng thời đóng vai đào chính trong vở Hai cánh én đầu xuân, đóng cặp cùng nam diễn viên tài danh Minh Chí. Sau lần diễn đó, nghệ sĩ Minh Chí đã đưa bà đi giới thiệu với các hãng băng đĩa ở Sài Gòn. Chủ hãng Châu Á, một hãng đĩa lớn ở Sài Gòn, sau khi nghe Ngọc Giàu ngâm thơ và hát thử đã ký hợp đồng dài hạn với bà.

Hai năm sau, Ngọc Giàu được soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng ở đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga mời về đoàn. Bà được trao Giải Thanh Tâm vào đầu năm 1960 nhờ nhiều vai diễn, như vai đào chính Điêu Thuyền. Năm 1967, bà nhận Giải Thanh Tâm Xuất sắc qua vai người đàn bà điên trong vở Vườn hạnh sau chùa. Ngọc Giàu là một trong ba nữ nghệ sĩ hiếm hoi đoạt được giải Thanh Tâm Xuất Sắc với Thanh Nga (1966) và Bạch Tuyết (1965).

4. NSƯT Thanh Nga

Thanh Nga (1942–1978) là nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam. Bà được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ.

Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa), lần sau làm vợ thứ (không chính thức) với ông Phạm Duy Lân tức hiệu là Đổng Lân vì ông đã từng giữ chức Đổng Lý Văn phòng của Bộ Thông tin trong Đệ Nhị Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa (luật sư). Bà có một con trai với ông Lân là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch).

oip-23-1623081838.jfif
"Nữ hoàng sâu khấu" miền Nam thời ấy

Bà tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31 tháng 7 năm 1942, quê quán ở Tây Ninh. Cha của bà là Nguyễn Văn Lợi, mẹ của bà là Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga là một Phật tử, có pháp danh Diệu Minh.

Bà bị sát hại cùng chồng ngày 26 tháng 11 năm 1978 tại nhà ở đường Ngô Tùng Châu, quận Nhất (nay là đường Lê Thị Riêng) Thành phố Hồ Chí Minh, được an táng tại nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ . Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 (theo Quyết định số 44-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25/1/1984).

5. NSND Út Trà Ôn

Út Trà Ôn (1919-2001) là nghệ sĩ cải lương tài danh. Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (vì ông là người con thứ 10 và cũng là con út). Ông sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

oip-22-1623081838.jfif
Cha đẻ của bài ca "Tình anh bán chiếu"

Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng điện đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là bản: "Thức trót canh thâu". Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa. Đặc biệt, với giọng ca đặc biệt của mình, ông đã góp phần nâng cao uy tín cho hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ "Tôn Tẩn giả điên" gồm có 20 câu, là một sáng tác của vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo).

Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, đây là lần đầu tiên ông làm bầu 1 đại bang danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ cao tuổi nhắc đến. Lúc ấy, đại bang này có nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn ví dụ như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga cùng làm giám đốc.

6. NSND Thanh Sang

NSƯT Thanh Sang (1943– 2017) là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Việt Nam. Ông cùng với NSƯT Thanh Nga được đánh giá là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu. Ông tuy chỉ mới được Nhà nước Việt Nam tôn phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú song những cống hiến của ông đối với nghệ thuật nước nhà nói chung cũng như bộ môn nghệ thuật cải lương nói riêng, Nghệ sĩ Thanh Sang đã là một Nghệ sĩ Nhân Dân trong lòng người hâm mộ.

oip-24-1623081838.jfif
NSND Thanh Sang (phải) cùng NSƯT Thanh Nga trong vở "Tiếng trống Mê Linh"

Trong số các vai diễn để đời của Thanh Sang, khán giả không thể không nhớ đến vai Trần Minh "khố chuối" trong tác phẩm kinh điển Bên cầu dệt lụa. Vào giai đoạn cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều khán giả, Thanh Sang đã cùng các đồng nghiệp mang đến nhiều vở diễn hay, giàu giá trị nhân văn, đậm triết lý, nhân nghĩa, trong đó Trần Minh "khố chuối" là nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp ca, diễn của ông. Các phân đoạn Trần Minh chăm sóc người mẹ bệnh tật, đối đáp nhân nghĩa ở đời với người anh em Nhuận Điền (Thanh Tú đóng), cảnh diễn tả ân tình với người đẹp Quỳnh Nga... được Thanh Sang nhập vai trọn vẹn. Gương mặt sáng ngời, chất phác, ngoại hình nho nhã, thư sinh cùng chất giọng trầm, điềm đạm của ông đã tạo nên một hình ảnh chuẩn mực cho nhân vật. Chỉ cần ông thốt lên "Mẹ ơi" hay "Quỳnh Nga...", xuống câu vọng cổ nhẹ nhàng rồi ngân vang nỗi niềm nhân tình thế thái trong câu hát với ánh mắt đượm buồn đủ làm rơi nước mắt người xem. Lối diễn tự nhiên, không lên gân của ông chạm vào trái tim khán giả, đồng thời khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này thấy khó khăn khi thể hiện lại hồn cốt của nhân vật Trần Minh.

7. NSND Bạch Tuyết

Bạch Tuyết (sinh ngày 24 tháng 12 năm 1945) là nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là "Cải lương chi bảo". Bà cũng là Tiến sĩ Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam tôn vinh danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

r8d2193d31a32df1c83ec76f06c1a223f-1623081839.jfif
Cải lương Chi Bảo

Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở "Lá thắm chỉ hồng", cô đào chính tới trễ, khiến Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau đó là vở "Kiếp chồng chung", "Suối mơ rền áo cưới",... Bà được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất, với vở "Tiếng hát Muồng Tênh", tên tuổi bà bắt đầu nổi.

Sau năm 1968, tình hình chiến tranh lan rộng, bà ngừng hát một thời gian. Đến năm 1971, bà cùng với Hùng Cường mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết (sau này đổi thành Đoàn ca kịch Bạch Tuyết), diễn các vở kinh điển như: "Trăng thề vườn thúy", "Má hồng phận bạc", "Cung thương sầu nguyệt hạ". Gánh hát này được rất đông người hâm mộ, tuy nhiên, do không biết cách quản lý, sau một thời gian đã ngưng hoạt động. Sau đó bà chuyển sang học Luật.

8. NSND Kim Cương

NSND Kim Cương (sinh ngày 25 tháng 1 năm 1937) là một nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

kim-cuong-4-1623081839.jpg
Con ruột của NSND Bảy Nam

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương là một nghệ sĩ nổi tiếng người Việt Nam. Bà được mệnh danh là "Kỳ nữ" trong giới sân khấu Việt Nam và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận kỷ lục là "Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam". Bà hiện nay là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận nhiệm kỳ 2009 - 2014; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP. Hồ Chí Minh khóa IX, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn hóa và Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp diễn xuất đến sớm, bà nhanh chóng trở thành đào non trong đoàn Đại Phước Cương, cùng cha mẹ và các thành viên trong đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Vai diễn chính thức đầu tiên của bà là vai Na Tra trong vở "Na Tra lóc thịt", do chính mẹ bà viết kịch bản.

Bà nổi tiếng trong những vai kịch buồn rơi nước mắt hay những vai dí dỏm. Giữa thập niên 1950, ký giả Nguyễn Ang Ca đặt biệt hiệu "kỳ nữ" cho bà, từ đó dân chúng biết đến danh hiệu Kỳ nữ Kim Cương.

9. NSND Minh Vương

Minh Vương (sinh năm 1950) là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng người Việt Nam. Ông được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lĩnh vực sân khấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007 vì những thành tích đóng góp của mình trong nghệ thuật cải lương.

r926b090be8ee5633744c91f84d951972-1623081839.jfif
NSND Minh Vương có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương

Ông tên khai sinh là Nguyễn Văn Vưng, được cho là sinh ngày 1 tháng 7 (sau cuộc phẫu thuật ghép thận thành công vào ngày 1 tháng 7 năm 2012, ông quyết định chọn ngày này làm ngày sinh chính thức) năm 1950 tại Cần Giuộc, Long An. Gia đình ông có 7 anh em, đều sinh ra và lớn lên tại Long An. Năm 10 tuổi, ông theo cha mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Ông theo học trung học, nhưng lại mê hát cải lương, nên tìm đến thầy Bảy Trạch. Ông từng đi làm em nuôi của những đào kép chính, phải khuân vác, xách đồ khi đoàn di chuyển, biểu diễn.

Đến năm 1972, thì Minh Vương cùng vợ thành lập đoàn cải lương Việt Nam lưu diễn khắp nơi cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Minh Vương từng là diễn viên của Đoàn Sài Gòn, Đoàn Văn công Thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng đã từng đi sang biểu diễn ở Tây Âu cùng với các nghệ sĩ tài danh khác.

10. NSND Lệ Thủy

Lệ Thủy (sinh năm 1948) là nghệ sĩ cải lương Việt Nam. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2012.

r1bbbe28d732b8a785625c7b5d93cc7a0-1623081839.jfif
Cô đào quốc dân của những khán giả miền Tây

Với bài ca cổ Cô gái bán đèn hoa giấy, đầu tiên qua việc ngâm thơ hậu trường, đóng những vai kép con trên sân khấu. 13 tuổi, Lệ Thủy thế vai kép con trên đoàn Trâm Vàng. 14 tuổi, Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính

Tháng 2 năm 1984, Lệ Thủy được vinh dự tham gia Đoàn nghệ sĩ lưu diễn Tây Âu cùng với nghệ sĩ Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương,... với các vở diễn Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa,... Báo chí thời đó gọi là "đem chuông đi đánh xứ người" đầu tiên sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau chuyến đi, các nghệ sĩ trong đoàn đã hợp lại và thành lập Đoàn nghệ thuật 2-84. Vở Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu là hai vở tuồng khai trương cho đoàn 2-84. Ở sân khấu này, Lệ Thủy đã diễn vở tuồng Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Trắng hoa mai, Kiếp chồng chung, Lôi vũ,...

Hoàng Trường (t/h)