Nơi ấy quê nhà

Nhuận Phẩm
Nơi ấy không phải quê nhà nhưng trọn cả một quãng dài đẹp nhất, tinh túy nhất của một đời người, tôi đã trải qua ở đó: Tân Phú - Châu Thành - Bến Tre.

Tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, tôi mang theo nỗi háo hức được khám phá cuộc sống, được cống hiến và được tự khẳng định mình của một cán bộ đoàn, xung phong về Bến Tre dạy học. Tưởng chỉ ba năm tình nguyện, không ngờ số phận dung rủi tôi gắn bó cuộc đời mình đúng hai mươi bảy năm trên mảnh đất này.

Ngôi trường Tân Phú B với tôi là mối tình đầu nguyên vẹn tinh khôi. Ngôi trường nằm ngó mặt ra một nhánh sông Hàm Luông quanh năm nước trong và ngọt. Ngôi trường với khoảng sân lầy lội mùa mưa, bụi mù mùa nắng. Ngôi trường cũ kỹ, ọp ẹp tưởng chừng như không thể cũ hơn được nữa. Ngôi trường nửa lợp tôn, nửa lợp lá với vỏn vẹn sáu phòng học cho cả hai cấp.

noi-ay-que-nha-1645886669.jpeg
Nơi ấy quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất tiếng khóc vào đời. Ảnh:T.L

Để tới trường, học sinh phải thức dậy từ lúc bốn năm giờ sáng, lội ruộng băng đồng hoặc bơi xuồng có khi đến năm bảy cây số. Để đến thăm học trò, tôi cũng phải đi theo cách đó. Lội ruộng, băng đồng, bơi xuồng tôi không ngại. “Cầu khỉ” mới chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tôi. Những ngày nước rong, đi dọc bờ sông từ Vàm Kinh Tổng Đường về trường, tôi phải dò dẫm từng bước, chỉ cần hụt chân một cái là có thể xuôi theo dòng nước sông Tiền ra biển như chơi.

Học trò tôi tội lắm, buổi đi học, buổi đi cấy đi cày, ngày đến trường, đêm giăng câu thả lưới. Việc đồng áng, hạ bạc xem ra nhẹ nhàng đơn giản, còn chữ nghĩa văn chương mới thật trầy trật, nhiêu khê. Nhưng ở đó, thầy trò chúng tôi đã có những ngày cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi thật tràn trề hạnh phúc. Tôi dạy cho các em những kiến thức có trong sách vở và học lại các em những hiểu biết về cuộc sống đời thường: làm sao để phân biệt cây cam - cây quýt, cây chuối già - cây chuối xiêm, con cóc - con ếch, thế nào là lúa cấy - lúa sạ. Nhờ các em tôi mới biết con ngỗng nuôi để giữ nhà, lá quao lót dưới ổ gà thì không có mạt…

Hoành tráng nhất vẫn là những đêm diễn văn nghệ gây quỹ phát thưởng cuối năm. Với chút lưng vốn văn nghệ của mình, tôi vừa làm đạo diễn, vừa làm “nhà tổ chức” kiêm MC, có khi làm luôn ca sĩ. Bàn học được kê làm sân khấu, phông màn đã có mấy tấm ri-đô của nhà tập thể. Diễn viên quấn xà rông bằng khăn trải bàn, hóa trang bằng phấn may, lọ nồi và thạch cao. Vậy đó, mà khán giả chật cứng cả sân trường, chen lấn sau cánh gà, có khi tràn lên cả sân khấu khiến MC phải cho ngưng chương trình để “vãn hồi trật tự”. Cảm động nhất vẫn là sự đóng góp rất nhiệt tình của bà con, cóngười gom từng đồng bạc lẻ để ủng hộ cho nhà trường mặc dù vào thời điểm đó người dân còn rất nghèo.

Trường bé, lớp ít, giáo viên không nhiều, nên tập thể chúng tôi giống như một gia đình nhỏ, sống thân thiện yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau, đoàn kết chung tay xây dựng mái trường. Ngôi trường Tân Phú B cùng với những con người ở đó chính là điểm tựa, là bệ phóng cho một cô gái trẻ sống xa nhà bơ vơ côi cút như tôi có thêm niềm tin về con người và nghị lực trong cuộc sống để bước tiếp trên con đường đời chông chênh còn lại.

Thời ấy là cái thời cả ấp không có lấy một cái truyền hình, cả xã không có một sạp báo. Không có cả một chỗ hẹn hò cho đôi lứa yêu nhau. Không có nơi nhộn nhịp để bày tỏ niềm vui. Không có chỗ lang thang để gặm nhấm nỗi buồn. Hăm ba tuổi, tôi chưa đủ trải nghiệm để biết cái gì đang đợi mình phía trước trong cuộc sống hôn nhân. Lấy chồng. Để tiếp tục được sống với ước mơ hoài bão của đời mình, với tôi không hề dễ dàng.

Tôi đã phải hết sức nỗ lực trước mọi định kiến, mọi khoảng cách về lối sống về suy nghĩ của mười mấy con người trong gia đình nhà chồng. Mỗi tháng ngồi trước bốn mươi bảy đồng năm mươi xu tiền lương và mớ nhu yếu phẩm được phân phối, tôi phải tính toán chi tiêu cách nào để vừa nuôi con, vừa nuôi dưỡng ước mơ cho mình, vừa phải “ gói ghém “ để mỗi năm có thể về Sài Gòn thăm nhà một lần.

Bây giờ, vẫn ngó mặt ra con sông Hàm Luông quanh năm đầy nắng gió, nhưng tựa lưng nhau là hai ngôi trường cấp một và cấp hai khang trang đạt chuẩn quốc gia. Không còn cảnh học sinh đến trường quần áo lấm lem bùn sình, dép xỏ xâu quảy trên vai. Cầu khỉ được thay bằng cầu bê tông, những cánh đồng lúa bát ngát giờ biến thành vườn cây ăn trái sum sê.

Hầu hết các con đường liên ấp đã được tráng nhựa. Có đường tráng nhựa đồng nghĩa với có xe: xe đạp, xe máy, xe ô tô. Điện lưới quốc gia kéo về níu khoảng cách thành thị nông thôn gần lại. Có điện đồng nghĩa với có truyền hình màu, có karaoke, có internet… Muốn giao dịch mua bán nông sản người ta chỉ cần bấm di động a lô một tiếng là xong.

Vậy mà tôi lại phải ra đi… Mọi thứ ràng buộc do con người ta tùy tiện nghĩ ra vây lấy cuộc đời tôi như một thứ dây leo cứ gỡ mãi không đến mắt cuối cùng, làm tôi cảm thấy đuối sức, tuyệt vọng và cô đơn. Một giọt tràn ly thật nhẹ nhàng, trống trếnh đã kết thúc mọi sự chịu đựng, gắng sức trong tôi. Các con đã lớn, đã thành đạt, căn nhà bỗng trở thành chỗ trọ cho chúng nó mỗi năm vài bận đi về. Những ngày dài côi cút bơ vơ ngay trong ngôi nhà của chính mình là nỗi ám ảnh cứ quấn lấy tôi. Vậy là tôi đành đoạn ra đi…

Ở vào ngưởng cửa mùa thu của cuộc đời mình, tôi giống như một kẻ tha hương mang nặng nỗi niềm xa xứ. Đã có những đêm thật dài thật sâu, tôi lặng lẽ một mình sống trong nỗi nhớ. Hai mươi bảy năm, thời gian đủ để mảnh đất ấy, những con người ấy trở thành máu thịt của tôi rồi. Tôi rất tự hào vì đã sống, đã thực hiện được phần nào lý tưởng của đời mình, đã đóng góp một chút công sức cho mãnh đất nơi tôi chọn để dừng chân thời son trẻ. Nhiều khi tôi tự hỏi: “Nơi ấy có phải quê nhà?”

Bây giờ mỗi bận về thăm, ngang qua cầu Rạch Miễu lồng lộng gió từ mặt sông thổi lên, tôi vẫn thường thấy lòng mình nao nao nỗi buồn vui khó tả. Vui vì nhìn thấy nhịp cầu nối đôi bờ đã mở ra cho Bến Tre một trang sử mới đầy xán lạn. Nhưng không tránh khỏi một chút bồi hồi, thương những chuyến phà xưa đã đi vào quá vãng. Tôi bỗng thấy mình giống như những chuyến phà kia. Đêm lại nằm quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ người. Thèm nghe tiếng gà buổi sớm mai. Thương con chim nhạn kêu chiều muộn.

Mới hay, nơi ấy chính thật quê nhà!