[57] - 391 ngày và cả cuộc đời

(Sống Khoẻ Plus) - Tuy đôi tay, đôi chân không còn nữa, nhưng trái tim anh vẫn vẹn nguyên một niềm yêu sống, tinh thần lạc quan và nỗi khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội đã không bao giờ trở về...

Ngày 07/7/2014, chiếc trực thăng mang số hiệu Mi171 thuộc Trung đoàn không quân trực thăng 916, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng phòng không không quân cất cánh, mang theo 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện đã bất ngờ bổ nhào xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xa Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội). 20 trong số 21 chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ còn duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương sống sót.

Một ngày sau khi chiến sĩ Đinh Văn Dương xuất viện khỏi Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác ngày sau 891 ngày đêm nằm điều trị, tôi tìm về nhà anh trong một con ngõ nhỏ ở khu lao động phố Long Biên để thăm anh.

Trước mắt chúng tôi là anh một người đàn ông nhỏ bé, gầy gò, khuôn mặt sạm đen nhưng đôi mắt ánh lên nét cương nghị. Anh mặc bộ đồ màu đen gụ, viền cánh tay màu xanh, khủy tay chấm chấm vào màn hình chiếc máy tính để đọc tin tức thời sự. Anh kể: Trong những ngày nằm viện, thế giới của anh chỉ diễn ra loanh quanh chiếc giường bệnh thì người người bạn duy nhất của anh là chiếc máy tính bảng này. Nó giúp anh kết nối với thế giới bên ngoài, được ngắm nhìn hình ảnh của vợ con, được chuyện trò với các con bằng những cuộc chát miễn phí vào mỗi buổi tối. Với mọi người, chạm - vuốt màn hình cảm ứng là một việc dễ dàng, còn với anh tất cả là nhờ một mỏm xương chồi ra từ khủy tay, đó là "ngón tay" thần kỳ, giúp anh nhìn ra thế giới ngoài kia từ căn phòng bệnh.

Anh Đinh Văn Dương và con gái, con trai. Con trai anh 29 tháng, số tuổi của con trai bằng đúng thời gian anh nằm viện.

Gần 900 ngày nằm viện, từ một người nằm bất động trên giường, Dương phải mất 3 tháng bền bĩ, tập ngồi, 6 tháng để tập đứng, và cả một năm trời tập đi. Những ý nghĩ tiêu cực, buông xuôi, phó mặc, thậm chí mong muốn được giải thoát khỏi những cơn đau thắt người, khỏi mặc cảm thân hình dị hợm, xấu xí, khỏi cho gia đình một gánh nắng bi thương, nhiều lần cứ trở đi trở lại trong anh. Nhất là lúc anh không thể tự mình bưng bát cơm, chén nước hay lau mặt cho chính mình. Giữa ngổn ngang những suy nghĩ ấy, mẹ và vợ con chính là liều thuốc thần kỳ giúp anh từ bỏ những suy nghĩ bi quan ấy.

Mẹ anh cũng ngồi góp chuyện. Bà kể: “Từ Hà Nam, tôi khăn gói ra Viện Bỏng Quốc gia chăm con ngay khi biết tin nó gặp nạn. Những ngày đau đớn của Dương cũng là những ngày vật lộn, trắng đêm bên giường bệnh của tôi. Dương đã trải qua 29 tháng nằm viện, 24 ca mổ và 3 lần chết đi sống lại. Khi con tôi tỉnh lại, nhìn thấy cơ thể mình, nó từng có những ý nghĩ dại dột khiến tôi vừa phải chăm sóc con, vừa phải canh chừng. Nhiều lần khóc đẫm gối vì con, con sống thì vui đấy nhưng lòng cũng buồn lắm. Nghĩ để cứu được con, mình phải mạnh mẽ lên nên tôi tìm lời khuyên nhủ con mỗi ngày. Lúc nào tôi cũng nói với nó, con trai mẹ tàn nhưng không phế.

Tôi đã chiến đấu với con 29 tháng, qua 24 lần con lên bàn mổ, đau lòng thắt ruột khi nhìn con mình lớn lên một lần nữa. Biết ngồi, biết đứng, biết đi những bước chân đầu tiên bằng chân giả. Bây giờ con tôi tâm lý cũng ổn định rồi, lại được Nhà nước, các tổ chức xã hội quan tâm, mẹ con cũng không còn vất vả như trước”.

Suốt buổi trò chuyện với tôi, Thượng úy Đinh Văn Dương tỏ ra rất lạ quan. Chỉ khi không có mẹ bên cạnh, trên chiếc xe lăn, ngồi bên mái hiên trước cửa phòng, anh mới bộc bạch: “Tôi đã khỏe hơn rất nhiều so với những ngày đầu ở viện, nhưng hằng đêm những vết thương vẫn hành hạ tôi đau đớn. Nhưng tôi không than thở kêu ca. Tôi cố sống vui vẻ để mẹ an lòng, để vợ con, bạn bè không phải lo lắng”.

Câu chuyện được anh Dương chuyển sang các con anh. Anh kể: Con gái lớn của anh là Hải Yến, đang học lớp 1. Hai chị em thi thoảng được mẹ đưa vào thăm bố, các cháu múa hát, kể chuyện cho bố nghe, giục bố mau về. Hải Yến nhiều lần hỏi đi hỏi lại bố: "Bố ơi, bao giờ ngón tay bố mọc ra?". Dương chết lặng. Khoảnh khắc yếu lòng nhất của anh là lúc đó. Những lúc ấy, anh rất khao khát được trở về đoàn tụ trong ngôi nhà thân yêu của mình, được ăn một bữa cơm đầm ấm, được xem các con múa hát, nhìn các con lớn lên trong tình thân yêu đầy đủ. Anh rất thương vợ, anh - người vợ còn rất trẻ đã phải gồng gánh một gia đình với một người thương binh như anh và hai đứa con nhỏ.

Được hỏi, anh ao ước điều gì bây giờ nhất. Người thương binh lặng lẽ: “Ham muốn của con người là vô biên. Tôi đã may mắn hơn 20 đồng đội, đồng chí của tôi. Tôi chỉ ước mong, một ngày nào đó có thể tự lo cho bản thân mình. Tự xúc cơm ăn, tự bưng nước uống, tự có thể vệ sinh cá nhân không cần phiền mẹ tôi”.

“Rất nhiều đêm, trong chập chờn cơn đau, tôi vẫn mơ về những người bạn của tôi. Mỗi một buổi sáng khi thức dậy, ngước nhìn lên bầu trời xanh, tôi vẫn hằng tưởng tượng ở đâu đó đồng đội tôi vẫn vẫn đang nhìn tôi mỉm cười… Tôi dự định, sẽ trở lại cánh đồng Hòa Lạc, thăm đồng đội, thắp cho bạn mình nén hương và nhắc với họ về những kỷ niệm cũ. Tôi cũng mong một ngày, sẽ xây được nhà thờ để tưởng niệm những người đồng chí, người bạn thân thiết đã vĩnh viễn nằm xuống”. Anh phấn chấn.

Từ giã anh ra về, nhìn những vạt nắng cuối cùng của buổi chiều, chẳng hiểu sao tâm trí tôi lại liên tưởng tới hình ảnh nàng Scarlett đầy cương nghị khi đứng trước thềm đầy nắng cùng câu nói quen thuộc: “After all, tomorrow is another day!” (Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới - Cuốn theo chiều gió).

Võ Minh Phúc

Link nội dung: https://www.songkhoeplus.vn/57-391-ngay-va-ca-cuoc-doi-a2378.html