"Tết đỗ quyên" - Tiếng lòng của người ly hương nhưng luôn hướng về quê cha đất Tổ!

Khi nhà thơ chợt nhận ra rằng tuổi già đã ập đến và cũng ở tuổi này mới thấu rõ nỗi buồn hơn bao giờ hết. Giờ đây, mọi vật chất chỉ là thứ phù phiếm bề ngoài. Cái quan trọng nhất là tình quê, tình thương, tình người, tình ruột rà, máu mủ. Thèm lắm một tiếng gọi ông, muốn lì xì cho cháu vào đầu năm mới, làm những việc có thể của một người ông, một người cha vào ngày đầu năm. Và cả những nghĩa cử bổn phận của bản thân với ông bà, tiên tổ.

Trong số những bài thơ viết về Tết của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy thì Tết đỗ quyên là một bài thơ có ấn tượng đặc biệt với người đọc. Bài thơ chưa hẳn hay về mặt câu chữ nhưng nó đánh động được lòng trắc ẩn của rất nhiều người, vì họ tìm thấy ở đó tiếng nói tri âm. Đó là tiếng lòng của người con xa quê, mong được trở về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Quê hương có vai trò quan trọng trong cuộc đời cũng như hành trình sáng tạo thơ ca. Nguyễn Nguyên Bảy sinh ra, lớn lên nơi Kinh Thành Cổ Tích (Hà Nội) nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn ngót nghét đã hơn ¼ thế kỉ. Trong khoảng thời gian xa quê ấy, vì nhiều lý do khác nhau mà gia đình phải ăn Tết ở Sài Gòn không về quê được. Chừng ấy thời gian, tưởng nhà thơ đã “quen” với những cái Tết xa quê như thế. Nhưng không, lúc nào Nguyễn Nguyên Bảy cũng cảm thấy u uất và nghĩ rằng bản thân mình “mắc nợ” với quê cha. Ông nói với con của mình bằng những lời nghẹn ngào:

Cha đã xa Kinh Thành Cổ Tích

Hăm nhăm năm ăn Tết Sài Gòn

Tha hương trên đất nước mình

Ngay trên một đất nước nhưng nhà thơ cũng cảm thấy tha hương. Bởi chính ông không được trở về quê cũ để đắm mình sống lại những năm tháng của ngày xưa. Những năm tháng ấy dù có nhọc nhằn, gian khó, nhưng với Nguyễn Nguyên Bảy nó như là suối nguồn trong lành, mát mẻ; là điểm tựa vững chắc nhất, an toàn nhất với nhà thơ. Vì thế, ông cố trấn an và tự dằn lòng rằng:

Lòng nhủ không nơi nào quê người đất khách

Vậy mà mỗi năm những ngày cận Chạp

Vẫn nao lòng bóng nhạn trời quê

Nhà thơ ra đi từ cội nguồn Kinh Thành Cổ Tích nên ông khao khát muốn trở về để được chở che, an ủi. Ngay trong cơn giông bão cuộc đời, tưởng Nguyễn Nguyên Bảy đã quay lưng với quê hương mà ngược lại, ông càng gắn bó sâu sắc hơn với mảnh đất chôn nhau. Quê hương và những kỷ niệm thuở nào đã mở ra cả một thế giới tinh thần của nhà thơ cả trong quá khứ và hiện tại. Bởi đó là cội nguồn sinh dưỡng, nơi chữa lành những vết thương và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo của ông.   

Tha thẩn tìm lối hồn về

Bỏ Xác đứng ngồi cô chiếc

Nhớ ngan ngát hương trầm Phát Lộc (*)

Tìm hương nhang nghi ngút Pháp Hoa (*)

Nhớ mưa phùn gió bấc cắt da

Đón gió đêm đông Sài Gòn se lạnh

Bánh chưng nào không là bánh

Sao cứ ngẩn ngơ nếp cái hoa vàng

Tay cầm cành mai Nam

Trí tường thăng hoa đào Bắc

Phút giao thừa nhớ quê da diết

Cầu truyền hình hiện bóng Hồ Gươm

anh-nha-tho-nguyen-nguyen-bay-sd-1620603595.jpg
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy

Tình yêu sâu nặng với Hà Thành đã ăn sâu vào huyết mạch của nhà thơ. Nên dù đang ở Sài Gòn và vẫn có những những món đặc trưng ngày tết nhưng trong tâm tưởng ông vẫn luôn canh cánh và nhớ da diết những món ăn, những hình ảnh thân thuộc của đất Hà Thành. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tìm về với quê hương như một hình thức tự nuôi dưỡng và tái sinh về mặt tinh thần; trở về với khoảng không gian thiêng liêng, nơi hàm chứa những giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc, khiến con người phải nâng niu, gìn giữ và tôn kính.

Bài thơ là lời tâm sự của người cha với con về nỗi buồn của sự ly hương. Ngay trên một đất nước cũng cảm thấy buồn hiu hắt huống chi những người con đang xa Tổ quốc. Mở đầu bài thơ, là lời tâm tình của người cha với đứa con. Lời tâm tình ấy nghe mà rưng rưng. Hình ảnh hoa đỗ quyên, chim cuốc cuốc, hoa vông, hay tiếng thơ lòng Bà Huyện Thanh Quan đã gợi lên bao suy tư, ngẫm ngợi từ người cha. Và rồi nỗi buồn cũng lần lượt được hiển lộ.

Có thể con chưa nghe

Hoa đỗ quyên gọi mùa hè cuốc cuốc

Nhưng chắc chắn con đã đọc

Thơ lòng Bà Huyện Thanh Quan

Cha không phân biệt hoa chim

Chỉ nghe tiếng thầm thào cuốc cuốc

Trên bàn ngày xưa con ngồi học

Cha chưng chậu đỗ quyên hồng

Hoa vông tươi từng cánh mắt buồn

Ngóng người ly hương xa hút...

 

Lời tâm sự của người cha trải dài từ đầu đến cuối bài thơ nghe mà xa xót. Trong giờ phút giao thừa và những ngày đầu năm, người cha “cố tìm niềm vui” bằng cách của riêng mình. Tự dặn lòng và đưa ra một quan điểm: “Ba ngày Tết/ Dưới mỗi mái nhà là một quê hương..”. Thế nhưng thực tại không làm cho trái tim kiên định của nhà thơ ngủ yên mà nó “dùng dằng” trỗi dậy với nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Khi nhà thơ chợt nhận ra rằng tuổi già đã ập đến và cũng ở tuổi này mới thấu rõ nỗi buồn hơn bao giờ hết. Giờ đây, mọi vật chất chỉ là thứ phù phiếm bề ngoài. Cái quan trọng nhất là tình quê, tình thương, tình người, tình ruột rà, máu mủ. Thèm lắm một tiếng gọi ông, muốn lì xì cho cháu vào đầu năm mới, làm những việc có thể của một người ông, một người cha vào ngày đầu năm. Và cả những nghĩa cử bổn phận của bản thân với ông bà, tiên tổ. Thế nhưng, điều đó cũng xa vời, bởi giờ đây nhà thơ đang ly hương, đang ở nơi đất khách; bởi con cháu cũng không ai bên cạnh. Có lẽ cách nửa vòng trái Đất kia cháu con ông cũng đang hướng về mẹ cha đang ở Sài Gòn.

Nhưng năm nay đích thực tha hương

Dù có đào Nhật Tân bạn tặng

Dù có bánh chưng nếp cái hoa vàng

Sao lòng chẳng thức bước chân

Đi vào đi ra lạnh lẽo

Sáu mươi tuổi bây giờ mới hiểu

Đêm đông ai hát tết buồn

Thèm cồn cào một tiếng gọi ông

Tiền mới ngủ vùi phong bao đỏ

Gượng cười ra ngõ

Lì xì trẻ nhà bên xin một lời mừng

Về nhà dở ảnh cháu con

Chỉ thấy tuyết rơi trắng xóa

Không nỡ chất thêm buồn mắt vợ

Ôm vai nịnh một câu tình

Ngọt mơ hồ miếng mứt trắng tinh

Căn nhà trống phủ đầy những tuyết

Không sum họp làm gì có tết

Đỗ quyên đầy chậu ngẩn ngơ.

Cởi buồn khai bút lụy thơ

Thương cháu con chảy nhòe giấy viết

Xứ tuyết ấy làm gì có tết

Quê người đất khách con tôi

Áo cơm đời nặng thế áo cơm ơi

Cánh cò trắng lội mò tuyết trắng

Vợ khiêng chồng gánh

Mang về nhà thì tuyết đã tan

Bạn tây nào gửi biếu bánh chưng

Bạn đầm nào gửi hoa cắm tết

Tìm đâu ra tình ruột thịt

Sum họp một nhà để thấy quê hương

Xứ ảo thiên đường Ba Ngày Tết

Ai chia sầu xa xứ với con ?

Nhà thơ đã “khóc”, khóc trong tâm tưởng. Đó là tiếng khóc của một con người đã thấu hiểu lẽ đời, con người ấy đã nếm trải bao đắng cay, mặn nhạt, bao sóng gió, bão giông. Nguời cha không chỉ cảm thấy đau cho mình mà còn đau thêm nỗi đau của con cháu khi chúng không được sống trong tình ruột thịt, không được sum họp nơi quê nhà. Bởi vì: Không sum họp làm gì có tết. Nỗi sầu ấy, sự cô đơn, lạc loài trong tâm khảm biết có ai thấu nổi?   

Và người cha – nhân vật trữ tình cũng nhận được những lời chúc mừng năm mới của con cháu phương xa.

Bỗng chuông điện thoại đổ dồn

Ríu rít cháu con mừng tuổi

Già rồi ư sao cháu con chúc cha trẻ mãi?

Qua lời chúc ông cũng lại giật mình và nghiệm ra: mình đã già – già thật rồi, thời gian đã không đợi chờ một ai, quy luật tuần hoàn của tạo hóa là thế. Cố gượng cười để cho con cháu vui, vui vì mùa xuân đang về. Nhưng thực ra ông đang nghĩ về tuổi xế chiều của cuộc đời. Mọi thứ xung quanh vẫn cứ tiếp tục hành trình của nó. Nhà thơ dẫu cố gắng trốn chạy nỗi cô đơn nhưng vẫn không làm sao thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của nó.

Tan tan cười cho con cháu biết mình vui

Tan tan cười gọi nở đào mai

  Không gọi mùa xuân cũng đến.

Chậu đỗ quyên trên bàn buồn lặng

  Nghe tan tan cười nói cái gia gia

Ngấn buồn trào hết mắt hoa

  Se sẽ nở một vồng hồng rực rỡ.

Tết đỗ quyên không chỉ là nỗi lòng của người cha nói với con mà đó cũng là tâm sự chung của những người đang ly hương, những người trong tâm luôn hướng về quê cha đất Tổ vào mỗi dịp mùa xuân về. Đây là tiếng lòng thành thật nhất mà nhà thơ đã giãi bày. Tết đỗ quyên neo đậu được trong lòng bạn đọc là vì lẽ đó.

Link nội dung: https://www.songkhoeplus.vn/tet-do-quyen-tieng-long-cua-nguoi-ly-huong-nhung-luon-huong-ve-que-cha-dat-to-a3428.html