Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sài Gòn không của riêng ai!

Tôi là người bản xứ, như triệu triệu cư dân của thành phố Sài Gòn hoa lệ này. 10 năm, quãng thời gian sống và làm việc ở đây không quá nhiều so với nơi mà tôi được sinh ra, miền Trung - khúc ruột cả nước.

Miền đất bao dung

Sài Gòn, thành phố khác. Chả có sự chuyển Xuân-Hạ-Thu-Đông, mà chỉ có 2 mùa. Một mưa. Một nắng. Và cũng chỉ giao mùa trong một ngày mà thôi. Nhiều khi tôi đã từng tủm tỉm ví Sài Gòn tựa như cô gái ương ngạnh. Một cô bé hay nũng nịu bất chợt, giận hờn vu vơ và cũng ngu ngơ đáng trách quá đỗi. Và cũng hay thường quên, hay thường cười, nhưng cũng lại rất dễ khóc nhè. Mọi điều dù là nhỏ nhắn nhất cũng dễ chạm vào sự mong manh, dễ vỡ trong ấy. Nhưng có lẽ, may mắn, thành phố này cũng phải lòng trong mắt những kẻ nhập cư như tôi.

Năm 1997, lần đầu tiên tôi theo má đặt chân đến Sài Gòn chưa được 3 tháng phụ bán vé số. Là đứa trẻ nhà quê tỉnh lẻ thứ thiệt, Sài Gòn trong tôi ngày ấy có trăm nghìn thứ lạ lẫm: kẹt xe, ngập nước, đông đúc, cướp giựt, nhốn nháo...

Năm 2006, tôi lại có điều kiện đến thành phố này lần nữa như sự nặng nợ những năm đèn sách của ba, của má. Bốn năm nơi đây, những “thói hư, tật xấu” cứ dửng dưng khiến tui không khỏi sờ sợ. Vẫn là bao cạm bẫy hóng chờ.

Năm 2015, sau nhiều biến cố, tôi cũng lại chọn Sài Gòn làm đích đến. Như sự đổi thay từ mảnh đất cống hiến đời trẻ của bao người. Là sự thử thách bản thân “không gì là không thể” của tuổi trẻ háo thắng một thời. Và có lẽ, đó không hiển nhiên mà tôi lại chọn Sài Gòn làm điểm dừng chân. Cốt muốn tự giải phóng mình từ trong sự thoáng đãng, bao dung và mở lòng hết thẩy.

Và rồi tháng năm, từ những phút trầm mình trôi theo nhịp sống, tôi mới hiểu rằng, thành phố này không như những gì tôi và đa số ai đó vẫn từng ngỡ…

Nhớ là những ngày rụt rè rời quê vào đây lập nghiệp. Nghe chuyện bác xe ôm ở bến xe miền Đông nhiệt tình quá đỗi khi chở những tân sinh viên lần đầu xa nhà lên thành phố đến tận nơi rồi cương quyết chỉ nhận mỗi 2 chữ “cảm ơn”. Thấy chú xe ôm ở sân bay Tân Sơn Nhất tốt bụng nhất quyết chở miễn phí cho khách vì chẳng may khách bị mất ví duy chỉ muốn sẻ chia sự cảm thông “con chú cũng từng bị như vậy!”.

Nhớ bà lão trên phố Nhà thờ Đức Bà lưng còng vẫn đêm đêm rong ruổi bán từng tấm vé số niềm tin từ chối nhận tiền khách cho: “Con ơi! Thay vì con cho bà 10 ngàn thì con hãy mua ủng hộ một tấm vé cũng 10 ngàn bà vui hơn!".

Như tiếng chào niềm nở, không cầu kỳ, sáo rỗng của những nhân viên một tiệm bán điện thoại di dộng dù khách chỉ ghé khám phá độ sang chảnh hay tự sướng với những chiếc điện thoại xin. "Xin cảm ơn quý khách…".

Và nhớ lại tấm biển một công ty nọ trên một con đường sầm uất đã qua đang sửa chữa tầng hai (tầng một vẫn kinh doanh) treo tấm biển làm ấm lòng khách: "Xin lỗi sự sửa chữa này đã gây phiền hà cho quý khách!"

Còn đó tiếng lòng năn nỉ mời khách của bác xe ôm già chậm công nghệ trên một góc đường đêm khuya chỉ đi để có tiền về đong gạo nấu cơm nuôi cả nhà: "Con đi xe già đi, trả bao nhiêu cũng được, cả ngày ni già không đi được cút nào!"

Nhiều nữa kìa, nhớ hổng hết đâu... Còn lắm chuyện ngày ngày đêm đêm giữa Sài Gòn.

Sài Gòn trong tôi này là vậy đó, ở thương, đi nhớ... Thành phố hoa lệ này mê hoặc tôi bởi những điều hết sức bình dị từ chính cốt cách của nhịp sống thành thị như thế đó. Tuy hối hả, tuy xô bồ, tuy nhiễu nhương nhưng vẫn còn đó những điều đáng yêu vô ngần. Những câu chuyện giúp đỡ, chia sẻ nhau như một phần cuộc sống. Ở đâu đấy trong Thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh. Tự dưng ai đó lại thấy thêm yêu cái thành phố những tưởng ngột ngạt và hỗn tạp này.

Vì thế, đi tìm lòng tốt người Sài Gòn, ta không cần phải đến bệnh viện, cô nhi viện, mái ấm tình thương, trường học hay bất kỳ nơi nào đấy mà người ta cứ ngỡ mới có lòng tốt. Lòng tốt người Sài Gòn luôn hiển hiện trên những con phố ta đi qua.

Sài Gòn không của riêng ai!

Ở Sài Gòn, giữa cuộc mưu sinh, ai đó vẫn mải mê cho những hành trình, những chuyến đi và những lần trở về. Bao lần về là bấy nhiêu câu chuyện dặm dài để rồi nhung nhớ… Nên theo lẽ thường, khi đã ở, ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn. Thành phố như người mẹ bao dung hết thẩy những đứa con tứ xứ, bất kể cũ mới mà chỉ còn là một – người Sài Gòn.

Người Sài Gòn, tiếng nói thân thương là thế nhưng mấy ai tường. Chỉ biết, cách đây hơn 200 năm, cái tên “Sai-gong” đã được người phương Tây nhắc đến như tên một vùng đất mới trên bản đồ thế giới. Rồi qua thời gian, Sài Gòn được định hình không chỉ là tên một địa danh, một cảng thị bậc nhất xứ Đàng Trong mà trong thời gian dài, còn là niềm kiêu hãnh về một “Hòn Ngọc Viễn Đông” của Đông Nam Châu Á. Rồi kể từ đó, quá trình giao lưu tiếp biến Đông-Tây đã kiến tạo nên một chất Sài Gòn với di sản người Pháp, hiện thân là những công trình kiêu sa, tráng lệ thuở đi hoang lấm lem, trần ai.

Sự pha trộn tinh tế của miền đất hoang vu ấy đã làm nên Sài Gòn – thành phố năng động, hiện đại, đầy cởi mở - hơn 300 năm; và góp phần làm nên phong thái một con người Sài Gòn lịch lãm, nho nhã, hào hoa và văn minh ngày ngày.

Với người Sài Gòn, cho dù đó là lớp cư dân bản xứ, là kẻ sa cơ đã trót “trao thân gửi phận” hay thậm chí chỉ là người nhỡ đường thì Sài Gòn luôn là một phần ký ức sống động nhất, đẹp đẽ nhất vẫn mênh mễnh mà chỉ khi rời xa mới thấy nhớ nhiều.

Còn hơn nữa, Sài Gòn còn mê hoặc những ai bởi sự đầy đủ mọi không gian tiện ích từ chính mảnh đất “thủ phủ” Nam Kỳ Lục Tỉnh và từ những con người tử tế, hiền hậu, bao dung và đầy nghĩa hiệp nơi đây.

Bởi thế, như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai, cũng không phải của một giai đoạn, một thời kỳ nào cả mà là ký ức dân tộc, là một phần trái tim của Tổ quốc Việt Nam.

Nên hiểu và yêu Sài Gòn như là cách chưng cất và nhắn gửi giấc mơ từ những giá trị một thời đẹp đẽ đã qua. Và có lẽ, thành phố này cũng phải lòng trong mắt những kẻ nhập cư như thế - nhỏ nhẹ, bặt thiệp, bao dung - qua thời gian.