Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Thi pháp học trong phê bình của Nguyễn Văn Hòa

Những kiến giải, mã hoá từ lý thuyết thi pháp của Nguyễn Văn Hoà rất phù hợp, soi tỏ được đặc tính nghệ thuật và tư tưởng nhân văn của văn chương. Sự song hành giữa phê bình trực giác và phê bình lí trí đã ít nhiều giúp anh tạo lập được nét riêng cho mình, có những luận giải thuyết phục, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ.


Nguyễn Văn Hoà vừa là một giáo viên cấp III vừa là cây bút phê bình khá năng động và nhạy bén ở Phú Yên. Anh là người trẻ yêu thơ, chịu khó đọc và có nhiều bài viết về thơ. Đặc biệt, Nguyễn Văn Hòa là người có nhiều bài viết, nghiên cứu ấn tượng về những gương mặt thơ nữ Việt Nam đương đại. Giữa năm nay, anh xuất bản một lúc hai tập sách: “Tình thơ bạn thơ” và “Con tằm rút ruột nhả tơ”. “Tình thơ bạn thơ” chuyên về thể loại thơ, bao gồm 36 khúc đò đưa. Riêng cuốn “Con tằm rút ruột nhả tơ”, phê bình của anh đã có sự bao quát, hướng đến nhiều thể loại hơn. Phương thức tiếp cận, làm đầy văn bản của anh thường đan xen, hài hoà giữa cảm xúc và lí trí. Anh vừa dùng cảm xúc, cái tình và sự đồng điệu của mình để tạo hứng thú thẩm mỹ đối với bạn đọc, vừa dùng lí trí mã hoá những ẩn ngữ của văn bản. 32 khúc đò đưa trong “Con tằm rút ruột nhả tơ”, vì thế, đã dựng nên khúc “tự đò đưa” thứ 33 của chính tác giả, tự rút ruột mình, chăm chỉ, cần mẫn nhả tơ, kiếm tìm sự thông hiểu, giao hoà.

 

bia-tap-sach-2-1668874114.jpgBìa tập sách Con tằm Rút ruột nhả tơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Phê bình của Nguyễn Văn Hoà, trước hết, là kiểu phê bình lấy trực cảm tinh tế của mình mà hiểu hồn người: phê bình ấn tượng, trực giác. Chúng ta thấy rất rõ sự đồng tình, đồng cảm giữa anh với đối tượng mà anh hướng đến, như kiểu mối tri âm Bá Nha - Chung Tử Kì. Anh hoà nhịp, cất cánh cùng tác giả, và thêm lần nữa, cùng tác giả thăng hoa những con chữ. Người đọc không chỉ đón nhận tình cảm nồng hậu của tác giả gửi gắm trong tác phẩm mà còn bị lay động, thu hút bởi sự soi tỏ, khúc xạ qua tâm hồn đầy mê đắm của nhà phê bình. Ở góc nhìn này, phê bình của Nguyễn Văn Hoà không đứng ở vị trí nhìn từ trên xuống hay từ dưới lên mà ở vị trí ngang bằng. Do đó, cảm xúc của người sáng tạo và người phê bình ít có điểm chênh. Sự rung động, giao cảm kéo tác giả và nhà phê bình xích lại gần nhau hơn, đồng hành, đưa đến những giao cảm độc đáo. Cảm xúc của anh trở thành sợi chỉ móc nối, liên kết giữa tác giả - tác phẩm - người đọc. Đi từ cảm xúc mà ra nên văn phong của anh mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt và có sức thu hút, hấp dẫn. Những khoảnh khắc “rung động” không tràn lan, thừa thãi, đã cho Nguyễn Văn Hoà cái “duyên” riêng khi bàn đến tính độc đáo của mỗi cây bút. Chúng ta có một Hồ Xuân Đà “vượt lên trên số phận bằng chính niềm tin, sự yêu thương, tình yêu nghề và sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên, hướng về cái đẹp”, để “giãi bày từng góc cạnh trong tâm hồn nữ giới”; một Trần Mai Hường “sống với thơ đến tận cùng chân thật, thật đến nỗi vắt kiệt chính mình”; một “Phạm Hiền Mây yêu không ồn ào, không hẹn thề, không ghen tuông bóng gió, không trách hờn vu vơ…, ngược lại, chị yêu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, điềm tĩnh, kiểu yêu đó khiến tôi không thể không nghĩ, nó mới chính là điều làm bạn đọc dễ dàng rung động, thổn thức…”.

Tuy nhiên, nếu chỉ đứng ngang bằng để lan toả tình cảm, tỏ bày hồn thơ hồn văn thì không thể đánh giá khách quan tác phẩm cũng như cá tính sáng tạo của các tác giả. Người viết phê bình cần phải linh hoạt các điểm nhìn, vị trí, dung hoà giữa nghệ thuật và khoa học, mới có thể giải mã được tính nghệ thuật của tác phẩm. Đối với lĩnh vực sáng tác, tình cảm có phong phú, dồi dào thì mới chuyển tải được tư tưởng, quan niệm, và tư tưởng, quan niệm bền vững thì tình cảm mới đi đúng hướng. Đối với lĩnh vực phê bình, yêu cầu này càng đòi hỏi khắt khe hơn. Chia tách phê bình nghê thuật (cảm xúc) và phê bình khoa học (lí trí) xem ra là việc làm không xác đáng, bởi, tình cảm chỉ có giá trị và được xác nhận khi tương tác với lí trí, ngược lại, lí trí giảm được sự khô khan, cứng nhắc khi có sự hỗ trợ của tình cảm. Cho nên, cần phải thấy được mối quan hệ giữa con người nghệ sĩ/cảm xúc và con người học thuật/lý trí trong phê bình của Nguyễn Văn Hoà.


Để chỉ ra được cái hay cái đẹp ẩn đằng sau những con chữ, đòi hỏi người phê bình phải có phương pháp tiếp cận phù hợp nhằm cắt nghĩa văn bản, đòi hỏi người phê bình phải quan tâm đến lý thuyết, lý luận và khả năng vận/ứng dụng nó vào việc giải mã các hiện tượng văn học. Tuỳ vào đối tượng nghiên cứu, phê bình mà Nguyễn Văn Hoà chọn lựa phương pháp ưu thế, chứ không hạn định trong một khuôn khổ nào. Phê bình của anh không bị gò hay bị áp đặt bởi lý thuyết, lý luận, không diễn giải lý thuyết, mà chúng đã được anh mã hoá, trình bày một cách mềm dẻo, sinh động. Hay nói cách khác, anh không thể hiện lý thuyết trên văn bản mà lý thuyết đã nhuần nhuyễn ngay trong những lập luận, bình giải của anh. Trong bài viết “Nỗi ám ảnh với thời gian”, để làm rõ giọng thơ “luôn sống trong cảm giác nuối tiếc” của Trương Lan Anh, anh khai thác các yếu tố thời gian nghệ thuật. Đối với kiểu phê bình chân dung, anh kết hợp điểm giao thoa giữa tác phẩm - cuộc đời cùng với sự nhấn nhá đôi chút về cuộc gặp gỡ, trò chuyện với tác giả, như trong bài “Tôi đã gặp tác giả bài thơ ‘Trò chuyện với Thuý Kiều’ ngoài đời thật”: “Gặp bà lần đầu tiên nhưng tôi đã quý bà và kính trọng bà. Tôi quý bà bởi sự khiêm tốn, một sự khiêm tốn đáng kính trọng, dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời, thơ bà cũng đã sống được và khẳng định giá trị đích thực của nó với thời gian nhưng chưa bao giờ bà nhận mình là nhà thơ”. Kết hợp phê bình tiểu sử với phê bình nữ quyền, anh khẳng định hai yếu tố đời - văn đã dệt nên ngòi bút Hồ Xuân Đà: “Cuộc đời khổ đau và thăng trầm về hạnh phúc đã góp phần sản sinh những trang văn buồn mênh mang với bao khát vọng, mơ ước về tương lai; thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái” và giọng thơ của Đoàn Thị Lam Luyến: “Đoàn Thị Lam Luyến luôn hướng khát vọng về một thế giới hoàn mỹ, bà đã khước từ mọi cái xấu, cái tầm thường, vươn lên luyện cho trái tim cứng cáp và nhạy cảm phô bày tất cả cái tốt đẹp lẫn cái phù phiếm. Bà yêu ghét không bao giờ lưng chừng mà rất mạnh bạo, cả quyết đến liều lĩnh bản năng... Cứ thế, bà lặng lẽ nhả hương trong bóng tối đời mình”. Tiếp cận văn học nhìn từ văn hoá, anh chỉ ra sự tác động, ảnh hưởng của đất phương Nam trong thơ Huỳnh Thuý Kiều: “chính truyền thống và cái nôi văn hoá của vùng sông nước cộng với năng khiếu, sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn đã tạo ra một hồn thơ vừa đằm sâu, thao thiết, mang những phong vị, đặc trưng của vùng sông nước”. 

anh-nguyen-van-hoa-sd-1668873585.jpg
Nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa


32 cây bút mà anh nghiên cứu, phê bình, thường nghiêng về người viết trẻ ở miền Trung và miền Nam, thậm chí có một số mới bước vào nghề, hẳn nhiên, vừa gây khó khăn cho anh trong thẩm định nhưng vừa thể hiện tiếng nói, sự dấn thân, không ngại khó của anh. Ở mỗi bài viết, Nguyễn Văn Hoà luôn thể hiện chủ kiến, ý thức phản biện và dám đối diện, đương đầu, bảo vệ điều mà mình khẳng định. Chủ kiến đòi hỏi cái nhìn thẳng, đánh giá khách quan tính thẩm mĩ của tác phẩm chứ không phải xuất phát từ quyền uy trực giác, quyền uy của người phê bình. Những điểm ghi nhận, hay phủ nhận luôn được anh lập luận chặt chẽ, thấu đáo, tạo môi trường đối thoại cởi mở giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc.


Nhìn tổng thể, phê bình của anh vẫn lấy thi pháp làm nền, làm trụ, kiến giải tính thẩm mĩ của ngôn từ, còn các phương pháp vây xung quanh thi pháp chỉ thực thi nhiệm vụ bổ/phụ trợ. Nguyễn Văn Hoà diễn giải, khám phá vẻ đẹp của tác phẩm bằng các yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật, kết cấu, người trần thuật, nhịp điệu, hình ảnh, biểu tượng, giọng điệu, các biện pháp tu từ,... Nếu ở bài viết “Đọc tập thơ ‘Một milimét’ của Nguyễn Thị Thanh Long”, anh khai thác hệ thống ngôn từ đậm nét nữ tính, ở “Vài cảm nhận khi đọc tập thơ ‘Hồn quê’ của Đỗ Lợi” là dày đặc câu hỏi tu từ và dấu chấm cảm; thì ở “‘Mùa xa nhà’ và những góc nhìn khác về chiến tranh” quan tâm đến ngôn ngữ trần thuật, ở “Vài cảm nhận khi đọc tiểu thuyết ‘Hoàng cung’ của Võ Chí Nhất” lại chú ý đến cách xây dựng nhân vật lịch sử. Thi pháp mà Nguyễn Văn Hoà vận dụng vào nghiên cứu, phê bình 32 tác giả, cho thấy những nỗ lực của anh trong việc lý giải, khẳng định giá trị chiều sâu của văn chương. Và nhất là, trong 32 bài đò đưa, có đến 23 bài phê bình thể loại thơ, điều này, đã khẳng định lợi thế và sở trường trong nghiên cứu, phê bình theo khuynh hướng thi pháp học của Nguyễn Văn Hoà. 


Bên cạnh những bài viết ngắn gọn, chặt chẽ và dễ hiểu, tập sách vẫn còn một số bài viết có phần trích dẫn quá nhiều, làm nhẹ đi tính học thuật, tính khoa học cần thiết đối với lĩnh vực nghiên cứu, phê bình. Tuy nhiên, những kiến giải, mã hoá từ lý thuyết thi pháp của Nguyễn Văn Hoà rất phù hợp, soi tỏ được đặc tính nghệ thuật và tư tưởng nhân văn của văn chương. Sự song hành giữa phê bình trực giác và phê bình lí trí đã ít nhiều giúp anh tạo lập được nét riêng cho mình, có những luận giải thuyết phục, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ. 


Nguyễn Văn Hoà là một giáo viên dạy văn cấp 3 chính hiệu. Viết nghiên cứu, phê bình chỉ là nghề tay trái của anh. Ấy vậy mà, đọc anh, cứ nghĩ phê bình là nghề, là nghiệp của anh. Ngay trong tập “Con tằm rút ruột nhả tơ”, hẳn bạn đọc tìm ra chìa khoá tương tác, tương hỗ giữa nghề dạy và sự viết của anh, đó là kĩ thuật đọc kĩ các thành tố bên trong lẫn bên ngoài. Anh tổ chức bài viết hệ thống, bài bản, có mở có kết, đánh giá, biện giải khách quan, tránh được lối phê bình cảm tính khi thẩm định giá trị. Với những gì có trong tay, tôi cho rằng, anh đã nỗ lực làm tròn nhiệm vụ “rút ruột nhả tơ”: “sáng tạo trên nền của sáng tạo”.


*Nhân đọc tập Con tằm rút ruột nhả tơ của Nguyễn Văn Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.