Thực hư câu chuyện: Ăn nhiều đậu nành sẽ gây hại cho bệnh nhân ung thư vú?

Hoàng Trường
Nền ẩm thực Trung Hoa luôn có rất nhiều những món ăn làm từ đậu nành, vì họ quan niệm rằng đậu nành có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đặc biệt là phòng chống những bệnh ung thư, cho dù những món ăn của họ có chứa rất nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, có những thông tin cho rằng đậu nành gây hại đến với bệnh nhân bị ung thư vú. Vậy điều này đúng hay sai?

Ý kiến khẳng định của các nhà khoa học gần đây nhất đăng trên tạp chí Cancer cho thấy, đậu nành không những không gây bất lợi cho bệnh nhân ung thư vú mà còn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân này.

TS.Fang Fang Zhang, Trường Khoa học Dinh dưỡng và Chính sách Friedman, Đại học Tufts, Boston, Massachusetts (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: Thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh có liên quan đến làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú hoặc tái phát ung thư vú ở bệnh nhân châu Á.

Hơn nữa, isoflavone, một loại estrogen thực vật có nhiều trong đậu nành, được cho là ức chế sự sản sinh estrogen, do đó đồng thời ức chế sự phát triển của các khối u vú nhạy cảm với hormone này.

bean-1024x683-1626677173.jpg
Đậu nành là một loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể

Nhưng ở phương diện khác, cũng có giả thiết cho rằng isoflavone trong đậu nành có khả năng gắn kết và kích hoạt các thụ thể estrogen trong các khối u vú, do đó có thể gây giảm hiệu quả phương pháp điều trị bằng tamoxifen.

Tamoxifen là chất kháng estrogen không steroid ở người. Tamoxifen tác dụng chủ yếu như thuốc kháng estrogen, ức chế tác dụng của estrogen nội sinh ở những bệnh nhân bị ung thư vú. Thêm vào đó, rất ít bằng chứng về tác dụng có lợi của đậu nành đối với ung thư vú ở các nước phương Tây, nơi ít tiêu thụ đậu nành.

Do đó, trước những kết quả của các nghiên cứu hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề gây tranh cãi: Liệu phụ nữ nên được khuyên khuyến khích hay hạn chế thức ăn thực phẩm bổ sung có chứa chất isoflavone để giảm nguy cơ ung thư vú hoặc giảm ung thư vú tiến triển?

Đậu nành có thể làm giảm tử vong cho bệnh nhân ung thư vú âm tính với thụ thể hormone

Để làm rõ những hoài nghi xung quanh lợi ích hay nguy cơ đến từ việc sử dụng đậu nành, nhóm nghiên cứu (dưới sự tài trợ của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ) đã khảo sát mối liên hệ giữa lượng isoflavone trong khẩu phần ăn và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong một quần thể đa sắc tộc gồm 6.235 phụ nữ châu Mỹ Latinh và châu Úc có ung thư vú. Họ đã sử dụng dữ liệu thu thập về các phụ nữ và chế độ ăn uống trong vòng 5 năm cả trước và sau khi được theo dõi bệnh ung thư vú. Kết quả cho thấy một tỷ lệ nghịch giữa tần suất sử dụng đậu nành và tỷ lệ tử vong.

phongvien24hcom-mot-so-mon-an-ngon-giau-dinh-duong-duoc-che-bien-tu-dau-phu-mot-so-mon-an-ngon-giau-dinh-duong-duoc-che-bien-tu-dau-phu-1024x536-1626677178.jpeg
Đậu nành có thể chế biến được rất nhiều món ăn

Cụ thể, sau thời gian theo dõi trung bình 9,4 năm, ghi nhận tất cả 1.224 ca tử vong. Phụ nữ có tỷ lệ phần trăm isoflavone trong chế độ ăn kiêng cao nhất (≥1.5 mg/ngày) có tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân giảm 21% so với phụ nữ có tỷ lệ thấp nhất (0,3 mg/ngày, khoảng tin cậy 95%).

Phân tích phân tầng cho thấy, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn giàu isoflavone chỉ có ý nghĩa thống kê trên những phụ nữ ung thư vú âm tính (không nhạy cảm) với thụ thể hormone (estrogen và progesterone), và đối với phụ nữ không được điều trị bằng liệu pháp hormone trong quá trình điều trị ung thư vú. Không tìm thấy mối liên hệ tương tự ở những phụ nữ dương tính (nhạy cảm) với thụ thể hormone (estrogen và progesterone) và những người được điều trị bằng nội tiết tố.

Nói tóm lại, sự giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân phần lớn chỉ giới hạn ở những phụ nữ ung thư vú âm tính với thụ thể hormone và những phụ nữ không được điều trị bằng thuốc kháng estrogen như tamoxifen.

Trong một thông cáo báo chí của mình, TS.Zhang cho biết: Kết quả của nghiên cứu không thấy tác động bất lợi của việc ăn đậu nành trên những phụ nữ được điều trị bằng nội tiết. Ở những phụ nữ có ung thư vú âm tính với thụ thể hormone, các sản phẩm từ đậu nành có thể có tác dụng bảo vệ.

TS.Omer Kucuk, thuộc viện nghiên cứu ung thư Winship, đại học Emory, đã rất hào hứng với kết quả này. Ông viết trong bài xã luận của mình: "Giờ đây chúng ta có bằng chứng cho thấy các loại thực phẩm từ đậu nành không chỉ ngăn ngừa ung thư vú mà còn có lợi cho những phụ nữ bị ung thư vú.Vì vậy chúng tôi đã có thể khuyên phụ nữ ăn nhiều đậu nành vì lợi ích sức khoẻ của họ". Ông cho biết thêm rằng việc sử dụng các thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh là ngăn ngừa nhiều bệnh khác, như bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới chỉ giới hạn ở thực phẩm từ đậu nành chứ không đề cập đến các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung.

Theo TS.Kucuk, mặc dù chế độ ăn uống giàu đậu nành là lành mạnh và an toàn nhưng việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung isoflavone có nguồn gốc từ đậu nành là một vấn đề khác vì nó chưa được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên lớn. Do đó, hiện tại, thực phẩm chức năng bổ sung chưa được khuyến cáo sử dụng trên các bệnh nhân ung thư vú.