'Tiên học lễ, hậu học văn' xứng đáng có một đời sống bền bỉ

Hoàng Trường
Mới đây, câu khẩu hiệu quen thuộc “Tiên học lễ, hậu học văn” bất ngờ được khơi gợi thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn và trong dư luận xung quanh việc có nên loại bỏ nó ra khỏi tiêu chí giáo dục hiện đại của Việt Nam hay không.

Trong nội dung tham luận "Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" tại cuộc hội thảo với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, giáo sư Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã kiến nghị: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".

Theo ông, trọng “lễ” chính là một nguyên lý cơ bản trong triết lý Nho giáo của thời phong kiến, đề cao sự phục tùng, trong khi xã hội ngày nay cần con người chủ động, sáng tạo, hướng đến tài năng… nên "Tiên học lễ, hậu học văn" không còn phù hợp với quan điểm giáo dục Việt Nam hiện nay.

Kiến nghị này đang gây nên cuộc tranh cãi sôi nổi trên các diễn đàn và trong dư luận. Bên cạnh một vài ý kiến ủng hộ, đồng tình thì đa phần là phản đối.

ban-chat-cua-tien-hoc-le-hau-hoc-van-la-giai-quyet-moi-quan-he-giua-duc-va-tai-anh-tl-1638345975.jpg
Bản chất của “Tiên học lễ, hậu học văn” là giải quyết mối quan hệ giữa đức và tài. Ảnh: TL

Về phía ủng hộ, Facebooker thầy giáo CML đã dùng rất nhiều tư liệu để phân tích nghĩa gốc Hán văn của từ “lễ” để chứng minh: Chữ "lễ" không hề có nghĩa là “đạo đức làm người”. Cho nên, hiểu lễ là đạo đức làm người “là cách hiểu thông tục của giới bình dân vô học. Người có hiểu biết một chút thôi cũng biết lễ, nếu mở rộng nghĩa ra thì là bao hàm toàn bộ lễ nghi, tập tục phong kiến”, CML khẳng định.

Cuối bài viết, để củng cố cho sự đồng tình nên chấm dứt khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, ông viết, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” làm cho mọi thứ quy về khuôn mẫu: Ăn mặc, nói năng theo mẫu, giáo án, giáo khoa theo mẫu, học bài trả bài theo mẫu… Đây là một triết lý giáo dục vô nghĩa, sáo rỗng và đầy tham vọng của quyền lực.

Cùng quan điểm với Facebooker thầy giáo CML, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cũng đề nghị ngành giáo dục Việt Nam nên xem xét lại, vì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không còn phù hợp với giai đoạn hiện đại. Ông cho rằng: "Triết lý trên xuất phát từ tinh thần Nho giáo. Nhưng hiện nay, sự phát triển giáo dục đã bước sang giai đoạn mới, có nhiều vấn đề mới phù hợp với nhiều triết lý mới".

Về phía ngược lại, nhằm phản đối kiến nghị chấm dứt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhà báo - đại tá PTS nêu ý kiến: “Học “lễ” ở đây là quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của người học. Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước sẽ có những chuẩn mực đạo đức được bổ sung, phát triển phù hợp, tương ứng với xu thế thời đại. Khu biệt nội hàm chữ “lễ” trong khuôn mẫu của từ Hán - Việt rồi quy kết học “lễ” là đề cao sự phục tùng, thủ tiêu sáng tạo có phải là sự võ đoán?”.

tien-hoc-le-la-dau-tien-phai-hoc-dao-lam-nguoi-hoc-cac-quy-tac-ung-xu-biet-doi-nhan-xu-the-kinh-tren-nhuong-duoi-1638345981.jpg
"Tiên học lễ" là đầu tiên phải học đạo làm người, học các quy tắc ứng xử, biết đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới. Ảnh: TL

Ông nói thêm, bản chất của “Tiên học lễ, hậu học văn” là giải quyết mối quan hệ giữa đức và tài. Nếu con người coi nhẹ đạo đức, coi nhẹ giáo dục đạo đức, chỉ tập trung cho kiến thức chuyên môn thì xã hội suy, loạn. Lấy những bất cập, tồn tại trong thực tế để đòi xóa bỏ triết lý giáo dục là cách tư duy ngụy biện chứng, chả khác gì thấy cành lá bị sâu, đòi trốc cả gốc cây cổ thụ.

Có cùng suy nghĩ với nhà báo - đại tá PTS, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho rằng "lễ" trong khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" bao hàm phạm trù đạo đức làm người. Trước hết phải học đạo đức làm người, bởi con người lấy đức làm gốc. Vì thế, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" ngày nay vẫn còn phù hợp.

Nickname Phu Do thì chi tiết hơn, cho rằng "lễ" bao gồm kính thầy mến bạn, đi học đúng giờ, nghỉ học phải xin phép, đi thưa về trình, gặp bậc trưởng thượng phải kính nhường... Sau này lớn lên đi làm phải đúng giờ. Với cấp trên phải tôn trọng, với đồng nghiệp phải giúp đỡ, có cuộc hẹn phải đúng giờ, muốn nghỉ việc phải được phép... Lễ chính là nhân phẩm, là căn cơ của đạo làm người. Bởi vậy, điều trước tiên phải học là lễ, sau đó mới học văn, tức là khai mở trí tuệ, nhận thức.

Còn theo bạn PTT (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) lễ ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là cách làm người. "Tiên học lễ" là đầu tiên phải học đạo làm người, học các quy tắc ứng xử, biết đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới. Hay nói cách khác, "lễ" chính là nhân cách, đạo đức của con người…

Hiểu chữ "lễ" theo các nghĩa tương tự trên đây còn là cách hiểu phổ biến của rất nhiều người.

Thế hệ chúng tôi, những người trải qua các bậc học phổ thông ở miền Nam trước năm 1975, đều thuộc nằm lòng câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Mặc dù mỗi thầy cô có cách cắt nghĩa riêng của họ nhưng tựu trung đều khiến cho các thế hệ học sinh chúng tôi trước sau đều hiểu chữ "lễ" theo nghĩa ám chỉ đức hạnh, nhân cách của con người. “Tiên học lễ” là trước hết phải học lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách rồi mới "hậu học văn" là học kiến thức, kỹ năng, nâng cao vốn hiểu biết.

tien-hoc-le-hau-hoc-van-xung-dang-co-mot-doi-song-ben-bi-khong-the-nao-mai-mot-1638345981.jpg
“Tiên học lễ, hậu học văn” xứng đáng có một đời sống bền bỉ không thể nào mai một. Ảnh TL

Có ý kiến cho rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" là câu khẩu hiệu được ra đời sau thời kỳ đổi mới 1986 hay giai đoạn 1990. Thật ra đây là câu khẩu hiệu được treo trang trọng trong phòng học tại tất cả các ngôi trường ở miền Nam Việt Nam từ rất lâu trước năm 1975. Nhiều năm sau 1975 nó bị “bỏ qua” cho đến khoảng cuối thập kỷ 80 mới được “phục hồi”. Còn nó ra đời chính xác từ khi nào, thật ra không thấy tài liệu nào nói.

Nhưng bao đời nay, không thấy ai hiểu chữ “lễ” trong ngữ cảnh này theo “nghĩa đen” của từ Hán - Việt rồi diễn giải nó thành ra đề cao sự phục tùng, thủ tiêu sáng tạo.

Chúng ta cần hiểu “Tiên học lễ, hậu học văn” như bấy lâu nay người ta đã từng hiểu với mối tương quan biện chứng giữa “đức” và “tài”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Theo đó, “Tiên học lễ, hậu học văn” xứng đáng có một đời sống bền bỉ không thể nào mai một. Nó không chỉ là một triết lý giáo dục, mà còn là nét văn hóa, truyền thống của Việt Nam.