Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

VẺ ĐẸP HOANG SƠ RỪNG TRÀM TRÀ SƯ

Có một nơi dành cho những người thích sống hòa hợp với thiên nhiên, dành cho những du khách thành thị muốn “trốn” khỏi sự ồn ào, ngột ngạt của thành phố và cũng dành cho những bạn trẻ thích chụp ảnh… Đó là khu du lịch rừng tràm Trà Sư ở An Giang. Nơi đây chắc chắn khiến bạn say mê trước vẻ đẹp hoang dã của khu rừng tràm rộng mênh mông, ngập nước cùng hệ sinh thái đa dạng với rất nhiều loài chim, cò, động thực vật quý hiếm…
kham-pha-rung-tram-tra-su-moi-thay-duoc-su-tru-phu-cua-thien-nhien-mien-tay-1714548324.jpeg

Rừng tràm Trà Sư ở đâu?

Được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên, An Giang trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Rừng tràm Trà Sư rộng 845ha, nằm trên địa bàn 3 xã gồm:  Vĩnh Trung, Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang).

Một góc khu du lịch rừng Tràm Trà Sư (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Cách TP. Châu Đốc khoảng 25 km, cách TP. Cần Thơ khoảng 120 km và cách TP. HCM khoảng 250 km. Chạy dọc con đường thơ mộng dẫn lối vào khu du lịch rừng tràm Trà Sư, hai bên là những đồng lúa trải thảm ngút ngàn, và lác đác những cây thốt nốt đặc trưng của vùng biên giới… dễ khiến du khách say lòng (chứ không say xe đâu nhé).

Những góc không gian xinh tươi, xanh mát (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Một lối đi bằng tre được bao phủ bởi thảm thực vật và những chiếc lồng đèn đỏ nổi bật (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Có gì hấp dẫn ở đây?

Rừng tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Kết quả nghiên cứu mới nhất của đại học An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (giang sen) và cò cổ rắn (điêng điểng).

Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu.

Từng đàn chim, cò rất ung dung, thoải mái tại môi trường của chúng

Rừng tràm mênh mông, cứ đến mùa nước nổi từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch lại khoác lên mình chiếc áo xanh mát với vẻ đẹp kiều diễm, mà chẳng có bút mực nào có thể diễn tả hết được.

Từ trên cao nhìn xuống rừng tràm ngập nước thật đẹp (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Khi bước chân tới khu rừng tràm, bạn sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh thiên nhiên được bao chùm bởi chiếc áo màu xanh tràn đầy sức sống, tạo nên một không gian xanh mát. Để tham quan khám phá rừng tràm, đầu tiên bạn sẽ đến bến tàu mua vé, thuê những chiếc tắc ráng (phương tiện như xuồng máy nhưng tốc độ rất nhanh ở miền Tây)

Đoàn du khách ngồi trên chiếc tắc ráng chuẩn bị khám phá rừng tràm (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Bến thuyền được thiết kế rất độc đáo với những tổ chim bồ câu trên cao, là nơi lý tưởng cho các bạn chụp ảnh sống ảo.

“Nơi này chill phết” (Ảnh: Fb khu du lịch)

Bến thuyền được thiết kế rất độc đáo (Ảnh: Fb khu du lịch)

Chim trời – cá nước – âm dương hài hòa làm lòng người thấy nhẹ nhàng (Ảnh: khu du lịch)

Sẽ là hình ảnh những cô gái miền Tây hiền lành, hiếu khách trong trang phục áo bà ba truyền thống, che nghiêng nón lá, tay khua máy chèo điệu nghệ đưa du khách vào khám phá khu rừng xanh. Sau khi di chuyển một đoạn bằng tắc ráng (xuồng máy) để vào sâu lõi rừng, chuyển sang chiếc thuyền chèo tay để chèo vào tràm chim mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh.

Tường Vy – Người đẹp áo dài Việt Nam 2020 thích thú khi “check – in” tại rừng tràm đẹp nhất Việt Nam (Ảnh: Bá Phúc).

Xuyên qua con đường trên mặt nước kéo dài khoảng 3km, du khách sẽ đến với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Bạn tiếp tục đi bộ theo con đường nhỏ đi sâu vào bên trong. Hai bên lối đi là những cây tràm cao vút, phủ bóng xanh mát khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Cảnh sắc Trà Sư sẽ vỗ về mỗi ai thích khám phá và tìm đến một cuộc sống bình dị, nên thơ. Về Trà Sư đắm mình trong sắc diệp lục – một khung cảnh đẹp được tô điểm bằng những thành tố thiên nhiên sống động.

Wow! Chỉ mình và thiên nhiên rộng lớn. Cảm giác thực sự thư giãn. (Ảnh: Fb Khu du lịch)

Tồn tại trên mối quan hệ cộng sinh hàng trăm năm qua, chim trời – cá nước nương nhờ mái nhà chung yên bình Trà Sư. Đi sâu vào bên trong khu rừng tràm Trà Sư bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy rất nhiều loài chim quý hiếm trú ngụ. 

Du khách sẽ ấn tượng khi bắt gặp những chú gà lôi Ấn Độ với bộ lông màu xanh co-ban quý phái, trầm ngâm dạo chơi cùng những chú vạc trên lá sen, hình ảnh chim làm tổ, ấp trứng trên những lớp bèo dập dìu theo con nước nổi.

Nơi đây bảo tồn hệ sinh thái rất tốt (Ảnh: Nguyen Bao)

Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, rừng tràm Trà Sư còn có những công trình nhân tạo rất hài hòa và tôn trong thiên nhiên. Tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, nhà đầu tư quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Guiness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách. Đi lang thang vào vùng lõi trên chiếc cầu tre duyên dáng uốn lượn, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác thời gian như trôi chậm lại để hòa mình vào thiên nhiên. Từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và sự hài hòa của công trình.

Con đường tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam (Ảnh: Fb khu du lịch)

“Chỉ có tôn trọng tự nhiên thì mới làm chủ được tự nhiên”, Slogan của khu du lịch và là kim chỉ nam cho mọi thiết kế rất hài hòa với tự nhiên

Tại trung tâm rừng tràm là khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ nằm men theo bờ kênh, phục vụ các món ăn đặc sản mùa nước nổi như: chuột nướng lu, cá chạch nướng, cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, lẩu lươn, lẩu ếch… Một bữa ăn mang đậm hương vị miền Tây và rất dân dã giữa khung cảnh thơ mộng của khu rừng này, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với du khách.

Phải thử món Gà đốt lá chúc trứ danh An Giang (Lá chúc thuộc họ với lá chanh, được trồng nhiều ở vùng An Giang)

Vào mùa nước nổi bạn đừng quên thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển, lẩu chua cá hú bông súng, bông điên điển nhé! Nghe thôi đã thèm chảy nước miếng!

Lẩu cá linh bông điên điển là đặc sản chỉ có vào mùa nước nổi (Ảnh: báo Thanh Niên)

Ngoài ra, rừng tràm Trà Sư có một đài quan sát cao 30m, mà khi đứng từ đài này, du khách có thể quan sát toàn cảnh bằng kính viễn vọng (tầm nhìn xa 25km), với bức tranh rừng tràm rộng mênh mông, bất tận và thấp thoáng là những mái nhà của thôn xóm người địa phương tô điểm thêm nét đẹp nên thơ của vùng đất này.

Dành cho những tín đồ mua sắm, tại đây có bán tinh dầu tràm, mật ong tràm nguyên chất. Bạn đừng quên xem qua và mua để làm quà cho gia đình, bạn bè sẽ rất ý nghĩa.

Mua chai mật ong hoa tràm về làm quà thôi!

Khi cuộc sống càng hiện đại, phát triển, con người càng muốn trở về với thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng thì rừng tràm Trà Sư vẫn luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất dành cho du khách trải nghiệm miền Tây. Hãy cùng khám phá nhiều hơn những miền đồng quê Việt Nam tươi đẹp.