Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Xót xa hình ảnh người cha 15 năm bị xiềng xích sống lầm lũi trong bóng tối

Cách đây 15 năm, từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh Trần Văn Đam (SN 1976, ngụ thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỗng phát bệnh tâm thần, bị xích chân rồi sống trong bóng tối, cách biệt với thế giới bên ngoài.
15-nam-song-trong-bong-toi-1649722782.jpg

Chiếc xích nhốt anh Đam suốt 15 năm qua trong căn phòng tối.

Bất ngờ thành kẻ tâm thần vô dụng

Năm 2002, anh Trần Văn Đam nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hưởng và không lâu sau đó, có 2 đứa con là Trần Văn Thoáng (SN 2003) và Trần Thị Hiền (SN 2006). Cứ ngỡ từ đây niềm vui, hạnh phúc với gia đình nghèo khó nơi vùng quê chiêm trũng; nhưng nào ngờ, khi vợ chồng anh Đam sinh đứa con thứ hai chưa được bao lâu thì bỗng một ngày cuối năm 2007, bệnh tật từ đâu kéo tới khiến anh Đam đang từ một người đàn ông khỏe mạnh, lực điền trở thành một kẻ tâm thần vô dụng.

Ban đầu, anh Đam có những biểu hiện cười nói lảm nhảm một mình, bạ thứ gì cũng bốc cho vào miệng, sùi bọt mép. Càng về sau, bệnh tình của anh Đam càng trở nặng khiến anh không còn kiểm soát được hành vi của bản thân, thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà, chửi bới và cầm dao rựa rượt đuổi đánh cha mẹ và các con khắp làng, đốt cây rơm nhà hàng xóm. Ngày ấy, cha mẹ anh Đam phải chạy vạy vay mượn khắp nơi đưa anh đi khám ở các bệnh viện tuyến dưới rồi lại tuyến trên nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Rồi trái tim người cha, người mẹ tan nát khi các bác sĩ xét nghiệm và kết luận anh Đam bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt.

15-nam-xieng-xich-bong-toi-1649722782.jpg

Anh Trần Văn Đam bị mắc bệnh tâm thần thường xuyên đập phá đồ đạc, la hét nói năng lảm nhảm.

Về nhà, tần suất các cơn điên của anh Đam ngày càng tăng, mỗi lần gia đình không để ý là anh Đam đi lang thang khắp làng trên xóm dưới, miệng la hét lảm nhảm không ngừng. Chưa kể, hễ gặp người phụ nữ nào là anh Đam lao vào ôm ấp, sờ soạng. Cực chẳng đã, cha mẹ anh Đam phải mua dây xích dài 2m và ổ khóa rồi nhờ người thân xích anh Đam trong một căn phòng tối rộng khoảng 10m2. Dù hai người con của anh Đam liên tục tắm rửa, dọn dẹp nhưng nền nhà nơi anh Đam bị giam cầm luôn xộc lên mùi khó chịu bởi...

Và chỉ còn tương lai mịt mù

Những giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi chưa kịp khô thì lại một lần nữa, số phận nghiệt ngã vẫn bám riết lấy gia đình nghèo khó này. Vào giữa năm 2010, vợ anh Đam mang trong mình bệnh tim, ung thư giai đoạn cuối đột ngột qua đời. Không lâu sau đó, vào năm 2018 và 2021, cha mẹ của anh Đam cũng lần lượt qua đời vì tuổi cao sức yếu để lại hai đứa cháu nội và cậu con trai tâm thần.

Hiện tại, mỗi khi Thấy có người lạ đến nhà, đôi mắt vô hồn của anh Đam cứ lấm lét nhìn rồi phá lên cười khanh khách. Đồ đạc trong nhà đều bị anh Đam đập phá tan tành sau mỗi lần lên cơn. Không dừng lại ở đó, nhiều lần anh Đam lên cơn điên loạn tự xé rách hết quần áo rồi đuổi đánh bóp cổ sau đó gí đầu các con xuống bùn, may mà người dân hàng xóm kịp thời phát hiện nên các con của anh Đam mới thoát nạn.

Thời gian đầu, anh Đam phát bệnh la hét cả đêm, hàng xóm xung quanh không hiểu bàn tán thêu dệt chuyện này nọ và sang tận nhà trách móc sao để họ nửa đêm mất ngủ vì những lần anh Đam lên cơn. Nhưng sau này khi hiểu được bệnh tình của anh Đam và nỗi khổ tâm của gia đình thì họ cũng thông cảm cho sự bất hạnh của gia đình nghèo khó này

nguoi-cha-15-nam-xieng-xich-1649722782.jpg
Do mắc bệnh tâm thần nên anh Đam không kiểm soát hành vi của bản thân, thường xuyên la hét chửi bới.

 Vì gia cảnh nên con trai anh Đam phải nghỉ học từ rất sớm. May mắn nhờ mọi người giúp đỡ vận động quyên góp mua cho cháu chiếc xe máy cũ để đi chạy xe ôm công nghệ (Grab). Thế nhưng do dịch bệnh Covid kéo dài nên thời gian gần đây con trai anh Đam ở nhà mà không có thu nhập gì cả. Còn đứa con gái còn lại, do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên cũng được nhà trường miễn giảm học phí 30% và được các bạn, thầy cô giáo động viên, giúp đỡ tận tình về tinh thần cũng như học tập.

Hiện tại mọi chi phí sinh hoạt ăn uống, thuốc men, tiền học phí của 3 cha con đều trông chờ vào số tiền trợ cấp dành cho người tâm thần của anh Đam là 730.000đ/tháng. Số tiền ít ỏi đó chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuốc men cho anh Đam. Sống thiếu thốn về vật chất nhưng bù lại gia đình nhận được sự chia sẻ của hàng xóm. Họ đã không ngại cho gia đình Hiền từng cân gạo, bó rau, con cá, miếng thịt.

(Theo tác giả Trần Toản)