Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [64]:

“Nơi phòng đợi” - giúp tôi ngộ ra nhiều điều!

Trong văn hoá phương Đông các nhà thơ chân chính bước qua tuổi “thất thập” hay chuẩn bị cho mình một tâm thế an nhiên, tự tại về lẽ vô thường trong cuộc nhân sinh sau khi đã kinh qua những sấp ngửa, được thua, mất còn, khổ đau và hạnh phúc. Nhà thơ Thanh Quế cũng không ngoại lệ. Tập thơ Nơi phòng đợi của ông như sự đúc kết kinh nghiệm cuộc sống của thi sĩ sau nhiều nếm trải.

Đọc Nơi phòng đợi của nhà thơ Thanh Quế, đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về lẽ sống, niềm tin và cả những gì xảy ra trên hành trình “làm kiếp con người”...

45 bài thơ trong tập Nơi phòng đợi như 45 lát cắt của đời người từ khi sinh ra  đến lúc hoá thân về cõi vĩnh hằng. Nơi phòng đợi ngỡ như một tuyển “danh ngôn con người đương đại”, lĩnh vực nào ta cũng bắt gặp bài học giá trị soi rọi từ cuộc sống. Nghĩ về thế thái nhân tình, ông nhìn qua thấu kính để có những bài: Kẻ sống nhờ; Người câm, Cuộc đua hoặc như ngay trong bài Cuộc đời mở đầu tập thơ, Thanh Quế viết: “Cuộc đời/ Ôm hôn đứa con béo phì/ Hắt hủi/ Bầy con gầy trơ xương”.

bia-tho-thanh-que-1713062694.jpg
Bìa sách "Nơi Phòng Đợi" của Thanh Quế

Mặc dầu đã xuất bản 17 tập thơ và trường ca, song ông không ầm ĩ mà thường lặng lẽ hướng vào nội tâm, tự vấn với chính mình đến tận cùng:  “... Tôi đi tìm cái ao ước của tôi/ Như kẻ khát đi tìm nước uống”.

Thơ ông còn là tiếng nói của lương tri đầy tính nhân văn sâu sắc: “Phẩm chất của nhà thơ/ Được định giá/ Bỡi việc dám lao hay không dám lao/ Vào lưỡi kiếm của ngôn từ.” Thậm chí có bài thơ còn ngắn hơn cả nhan đề của nó, như bài Bản tính của nhà thơ, Thanh Quế chỉ  gói gọn trong 4 từ: “Là/ Hay lo lắng”. Nói như nhà thơ Trúc Thông - bạn cùng thời với ông: “Càng ngày Thanh Quế càng cô chắt, sự kìm nén càng bình tĩnh, tự nhiên… Thanh Quế chiến đấu cho thơ mình bằng thứ ngôn ngữ ít cách điệu hay nói thật chính xác là anh đã cách điệu bằng thứ ngôn ngữ sát sạt đời sống, sâu xa ẩn kín trong vỏ thô ráp”…

Ngay cả những bài viết về quê hương đất nước trong tập, dẫu cảm xúc có dạt dào nhưng ngôn từ vẫn được chắt lọc, ta thấy qua các bài: Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa, Gặp lại Hải Phòng, Tuy An hoặc mô tả nơi chôn nhau cắt rốn trong bài Về làng xưa nhớ ba, nhà thơ chỉ điểm xuyết: “Ngay đầu làng Phú Thạnh/ Con đường cát trắng dẫn về nhà xưa/ Bàu Ngòi nước xanh, dập dềnh bông súng đỏ/ Tiếng bê kêu khản giọng ngoài đồng…” Vâng, ” Tiếng bê kêu khản giọng ngoài đồng” hay chính tiếng gọi trầm thống nén chặt của nhà thơ đối với quê hương?

Qua tập Nơi phòng đợi tôi còn ngộ ra về số phận của thơ ca và hành trình của thi sĩ ở các bài: Con đường văn học, Bản tính của nhà thơ, Phẩm chất của nhà thơ, Nhà thơ già hoặc trong bài đầy chất “tục ngữ châm ngôn đương đại” mà thi sĩ Thanh Quế đã nhận chân: “Đau/ Thật đau/ Khi anh không viết được thơ/ Hiện đại hay hậu hiện đại./ Đau/ Thật đau khi bị chê thơ/ Rất cũ./ Đau/ Thật đau/ Đau thắt trong lòng/ Đau đến tận cùng/ Khi bài thơ chỉ là một mớ xác chữ”. Tuổi càng cao người ta thường sống với những hoài niệm quá khứ, hay nghĩ về gia đình, người thân. Đây là mảng đề tài nhà thơ Thanh Quế có những cảm xúc thắt lòng. Đối với cha mẹ, tình vợ chồng, ông có những bài thơ khá hay và đậm chất suy nghiệm. Nhà thơ tìm thấy năng lượng cuộc sống khi nghĩ về cháu con, ở đó còn là sự phản tỉnh ăn năn: “…Nhiều lần ba mắng con/ Có lúc giận đánh con/ Nhưng con là đứa con gái ba yêu quý nhất./ Ba mẹ tính nết khác nhau/ Ý thích khác nhau/ Nên hay xảy ra cãi vã/ Nếu có con sẽ dàn hoà rất dễ/ Nhưng con lại ở xa…” (Gửi con gái). Để rồi tận đáy lòng ông kết thúc bài thơ rất "chủ nghĩa nhân văn": ”…Rồi một ngày ba ra đi mãi mãi/ Chắc ở thế giới bên kia/ Ba cũng nhớ con quặn thắt/ Cũng phù hộ cho con/ Con là đứa con gái ba yêu quý nhất trên đời”.

ng-tuong-van-3-1713062694.jpg
Tác giả bài viết

 Ở Nơi phòng đợi, Thanh Quế có hàng loạt thơ sáng tác về khoảng tuổi xế chiều bằng những cảm xúc tích cực của người cao tuổi. Đây có lẽ là chủ đề chính ở Nơi phòng đợi. Trong bài Gửi bạn văn, nó như thông điệp của văn nghệ sĩ đúng mực để lại cho mai sau. Trong đó có đoạn: “…Mất đi một thằng bạn tử tế/ Bạn không cần đến viếng tôi/ Với hoa với hương phong bì phúng điếu/ Bạn chỉ cần nói: Quế ơi/ Mày đi/ Ở lại chúng tao cố gắng/ Viết thật tốt …”, thể hiện một triết lý sống của người cầm bút chân chính như câu thơ cuối đời của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Sống là cho mà chết cũng là cho!”.

Yêu một người là muốn người ấy hoàn toàn thuộc về mình, còn yêu một tác phẩm văn học ta muốn đem tác phẩm ấy chia cho mọi người. Tập thơ Nơi phòng đợi - một trong số tác phẩm tôi muốn đem chia khắp công chúng hiện nay. Tôi tin, bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích khi đọc tập sách này!

Tác giả: Nguyễn Tường Văn

[tuongvan.phuyen@gmail.com]