Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Dẹp ăn xin, ngành du lịch lại ngửa tay xin!

Dẹp ăn xin cũng là để bớt ấn tượng xấu với du khách, không làm phiền khách và để ngành du lịch phát triển, văn minh. Vậy mà cơ quan quản lí ngành du lịch lại đi xin...

Nhiều năm qua, Đà Nẵng được coi là thành phố đáng sống ở nước ta. Tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế đã khiến Đà Nẵng trở thành một nơi hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Và với việc phát triển du lịch, Đà Nẵng đã siết chặt tình trạng ăn xin trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Thành phố này yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với Sở VH-TT, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch, các đơn vị tổ chức lễ hội... tuyên truyền cho người dân, du khách về chương trình “không có người lang thang xin ăn”. Đồng thời đề nghị du khách không cho tiền, quà người lang thang xin ăn biến tướng; phối hợp phát hiện và xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo khách và xin ăn. Chính quyền thành phố Đà Nẵng còn khuyến khích và thưởng tiền cho người dân cung cấp tin báo phát hiện người ăn xin để đưa về chăm sóc.

Ăn xin không phải là xấu, ăn xin là do nghèo đói không có gì ăn nên mới đi xin để qua ngày đoạn tháng. Nhưng giả nghèo giả khổ, lười biếng lao động mà đi xin tiền là hành động lợi dụng lòng tốt của người khác, đó, là hành vi rất xấu xa.

Nói đến chuyện ăn xin, lại khiến tôi nhớ tới câu chuyện ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký văn bản và gửi tới 3 hãng hàng không Việt Nam. Với nội dung “kêu gọi sự vào cuộc của các hãng hàng không đóng vai trò tiên phong kích cầu du lịch nội địa” và “trên tinh thần chung tay, đồng hành, hợp tác phát triển giữa du lịch và hàng không” nhằm “triển khai kế hoạch phát động chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Qua đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam “trân trọng đề nghị các hãng hàng không cung cấp vé miễn phí các chặng bay nội địa cho đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 - 12/2020”. Số vé máy bay được Tổng cục Du lịch xin là 400 vé. Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) 200 vé; Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) 100 vé và Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) 100 vé.

400 vé mà Tổng cục Du lịch xin có giá trị không phải là nhỏ. Bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 2019 sẽ còn kéo dài, ngành hàng không với hàng ngàn nhân viên đang cầm cự trong cơn bĩ cực. Khó khăn là thế, nhưng một cơ quan được cấp ngân sách thực thi công vụ lại phát công văn “xin” không của các doanh nghiệp một giá trị lớn. Tệ hơn, việc xin vé máy bay này xảy ra trong thời điểm doanh nghiệp hàng không đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế.

Ngành du lịch muốn câu khách thì dẹp nạn ăn xin, dẹp nạn chèo kéo khách nhưng chính mình lại ngửa tay đi xin. Thật nực cười!

Và dù Tổng cục Du lịch “rút” lại văn bản xin 400 vé máy, nhưng những điều không hay thì khó mà lấy lại được.