Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách - người thầy, người bạn [03]:

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ qua một cuốn sách

Nhân đọc câu chuyện “Chiến lược trăm năm trồng người” trong cuốn sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh lớp 10”, tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác.

Bác Hồ là một trong những vị lãnh tụ, nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà; là người giành nhiều công sức, trí tuệ và tình cảm cho ngành giáo dục. Bác đặt kỳ vọng của dân tộc, của nước nhà vào sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

sach-bac-ho-lop-10-min-1710201254.jpg
uốn sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh lớp 10”

Năm 1958, nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền Bắc tại lớp học chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ rõ vai trò của người giáo viên: "Đào tạo thế hệ tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân và cán bộ tốt cho nước nhà”... Bác nhấn mạnh đến vai trò của người thầy, đến gốc rễ của giáo dục: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Nhân đọc câu chuyện “Chiến lược trăm năm trồng người” trong cuốn sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh lớp 10”, tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác. Sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, được xuất bản năm 2016.

Những câu chuyện trong tập sách được kể lại rất dung dị, chân thành và gần gũi thể hiện tình cảm của Bác, sự quan tâm của Bác giành cho công việc "trồng người".

 “Trồng người” là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Người. Đó cũng là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi.

san-truong-ngay-ay-1-min-1710201351.JPG
Tác giả Lê Thị Thu Thanh (áo dài) chụp cùng các em học sinh

“Trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người phải phát triển toàn diện, vừa kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống, vừa hình thành được những phẩm chất và năng lực mới. Sự nghiệp “trồng người” phải tập trung vào đào tạo những con người có đạo đức cách mạng, họ phải mang những chuẩn mực đạo đức như: trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình và mang tinh thần quốc tế trong sáng thủy chung. Tư tưởng đó là  sợi chỉ đỏ "soi đường" chỉ đạo sự nghiệp “trồng người” của Đảng và Nhà nước ta, là kim chỉ nam cho nền giáo dục Việt Nam, là chiến lược xây dựng và phát triển con người Việt Nam "vừa hồng, vừa chuyên". Nhờ đó, nền giáo dục Việt Nam đã phát triển toàn diện và vững chắc. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "trồng người" cũng xuất phát truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta quý trọng những người làm nghề dạy học. Từ thời xa xưa, truyền thống Tôn sư trọng đạo đã là một truyền thống tốt đẹp được nhân dân Việt Nam đề cao, yêu quý và gìn giữ. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao nhân dân ta đã dành cho người thầy những tình cảm đặc biệt ưu ái, tôn kính thiêng liêng:

- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

- Không thầy đố mày làm nên.

 - Trọng thầy mới được làm thầy.

- Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy! .

 Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi. Nhân dân tôn vinh, yêu mến gọi người thầy là Người giáo viên nhân dân. Xã hội đã ví người giáo viên với cái tên rất đẹp đẽ, tràn đầy ý nghĩa và gần gũi "Người kỹ sư tâm hồn".

Nghề dạy học là một nghề cao quý bởi lẽ người thầy giáo không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lí làm người, dạy cho học sinh làm những điều hay lẽ phải, hướng các em tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Và mỗi người giáo viên ví như con ong chăm chỉ ngày đêm bên trang giáo án cuộc đời, như những người lái đò thầm lặng chở khách qua sông, để mỗi chuyến đò là bến đỗ bình an, cập bến vinh quang. Họ âm thầm cống hiến, tỏa hương, không ồn ào, phô trương như Bác Hồ đã từng nói: "Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.

Những chiêm nghiệm, nghĩ suy qua 20 năm gắn bó cùng nghề dạy học tôi thấy mình đã không chọn sai nghề, bởi thấy mình cũng đã góp phần nhỏ bé chắp cánh những ức mơ tương lai cho nhiều thế hệ học sinh.

Nếu có người hỏi “vì sao bạn chọn ngành sư phạm?” thì tôi không ngần ngại trả lời: “Tôi ước muốn trở thành một nhà giáo”. Với tôi hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý như Cômenxki viết: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao qúy nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cao quý bởi đó là sự nghiệp “trồng người”, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước như lời Bác Hồ nói: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc vô cùng vì thấy mình là người đáng kính trong con mắt học trò. Tuổi đời có thể già đi nhưng tuổi nghề thì trẻ mãi. Tôi lại thấy yêu thêm nghề dạy học mà tôi đã chọn.

Tác giả: Lê Thị Thu Thanh

[thanhbk141081@gmail.com]