Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [75]:

"Kim chỉ nam" nuôi dạy con

Cũng như bao người cha, người mẹ, tôi muốn có cho mình phương pháp nuôi dạy con một cách khoa học. Và rồi tôi bắt gặp cuốn sách "Phương pháp giáo dục con của người Do Thái" (chủ biên: Trần Hân, người dịch: Thanh Nhã).

Chúng ta thường nghe nói rằng người Do Thái thông minh nhất thế giới, họ thành công dù hoàn cảnh sống không mấy thuận lợi. Tại sao họ làm được như vậy? Lật giở từng trang sách, tôi khám phá được những bài học quý giá. Đó là nhờ họ đã lấy phương pháp giáo dục gia đình làm nền tảng: từ trí tuệ, sinh tồn, kinh doanh, giao tiếp đến đạo đức...

sach-phuong-phap-giao-duc-con-cua-nguoi-do-thai-1713409463.jpg
Sách "Phương pháp giáo dục con của người Do Thái"

Trẻ em Do Thái được cha mẹ dạy phải tôn thờ trí tuệ, coi trí tuệ là tín ngưỡng cuộc đời. Họ khuyến khích trẻ không ngừng đặt câu hỏi, học ngoại ngữ, họ gieo vào đầu trẻ sách vở luôn ngọt ngào… Sách vở rất ngọt ngào! Đó là câu chuyện của Sol - 3 tuổi. Ngày đầu đi học, cô giáo bí mật đặt vào quyển sách của cậu hai quả nho. Cậu bé mở sách, quả nho lăn xuống. "Sách vở rất ngọt ngào giống như hai quả nho này!", Sol lém lỉnh reo lên. Không riêng gì nhà trường, trong mỗi gia đình người Do Thái đều dạy trẻ sách vở luôn ngọt ngào. Khi trẻ hiểu chuyện, cha mẹ sẽ chọn dịp nhỏ mật ong lên từng trang "Kinh Thánh" và bảo trẻ hôn lên đó. Tủ sách được người Do Thái bắt buộc đặt phía trên đầu giường để tiện tay đọc khi cần, quan trọng hơn là thể hiện sự sùng kính với sách.

Hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, ngay từ khi biết mình được làm mẹ, hằng ngày tôi thường thai giáo cho con những quyển sách phù hợp. Đến nay, khi con lên bốn, con tỏ ra am hiểu nhiều điều và đặc biệt, tình yêu sách trong con lớn lên từng ngày. Tôi đặt sách ở khắp mọi nơi trong nhà: trên kệ sách phòng khách, trên bàn, phía trên giường để chúng tôi ở đâu cũng đều nhìn thấy sách. Chúng tôi nâng niu, ôm hôn sách mỗi ngày; coi chúng như những người bạn thân. Theo phương pháp của người Do Thái, tôi dạy con sách luôn ngọt ngào bởi lẽ đọc sách giúp con giỏi hơn, sau này con sẽ có tương lai tốt đẹp. Điều đó thật ngọt ngào. Con trai tán thành, mỉm cười bảo: "Con yêu sách!"

Khi đọc mục "Bí quyết để có khả năng sinh tồn mạnh mẽ", tôi bắt gặp mình của ngày xưa - một người hoàn toàn khỏe mạnh - lại rất hay bỏ cuộc. Nhưng, Barany - cậu bé mắc bệnh lao xương - trong câu chuyện thì khác. Căn bệnh quái ác khiến chân cậu bị liệt từ nhỏ, nhờ sự khích lệ từ gia đình, hầu hết mọi sinh hoạt của cậu đều dựa vào bản thân. Năm Barany tròn 15 tuổi, bố Barany nói với cậu: "(...) bố mẹ biết rằng mình không thể chăm sóc con cả đời, chỉ có ý chí kiên cường và tinh thần độc lập, con mới tự tin vững bước trên đường đời sau này". Trải qua bao khó khăn, nhờ nghị lực phi thường, Barany cuối cùng đã nhận được giải Nobel về Y học và Sinh học (1914). Người Do Thái dạy con khả năng tự lập tự cường để sinh tồn. Họ đặt niềm tin vào con mình cũng như dạy chúng tin vào bản thân. Nếu con vấp ngã, họ an ủi, cổ vũ cho đến khi con làm được. Chính vì vậy mà trẻ em Do Thái không sợ thất bại. Tôi học được ở người Do Thái sự kiên trì, bền bỉ và cố gắng bồi dưỡng cho con khả năng quý giá này. Chỉ như thế con mới có thể chinh phục mọi thứ.

tac-gia-nguyen-thi-thu-cung-sach-1713409464.jpg
Hai mẹ con tác giả Nguyễn Thị Thu

Trong mắt người Do Thái, các con là những người trưởng thành: 2 tuổi, con đã bắt đầu lao động; 3 tuổi, con bắt đầu nhận biết đồng tiền; 5 tuổi, con bắt đầu làm thêm kiếm tiền... Trong khi đó, không ít quý phụ huynh ta luôn xem con nhỏ bé: "Con nít, có biết gì đâu!". Điều này kìm hãm sự phát triển của trẻ. Đôi khi, còn dung túng cho những hành vi sai lệch của chúng.

Tôi rất thích văn hóa trên bàn ăn - văn hóa đặc biệt của người Do Thái. Người Do Thái xem trọng không khí vui vẻ lúc ăn. Vì vậy các thành viên phải có mặt đông đủ; không mang chuyện học hành, công việc vào bàn ăn; trẻ có thái độ lễ phép, cung kính với người lớn... Nhìn nhận lại, chúng ta nên học tập, thay đổi thói quen xấu khá phổ biến không ít gia đình mắc phải: đem chuyện không vui vào bàn ăn, cho trẻ xem điện thoại để ăn, làm việc riêng khi ăn...

Ngoài ra, tôi còn học ở người Do Thái nhiều phương pháp quý báu, như: dạy con xem cơ thể khỏe mạnh là tiền đề hạnh phúc, nguyên tắc xử thế, tập trung vào giáo dục... Lối viết gần gũi, lồng ghép các câu chuyện sinh động cuốn mẹ con tôi theo từng con chữ. Đọc đến đâu, hai mẹ con áp dụng đến đó. Nay, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Bản thân tôi kiên nhẫn với con hơn và con tôi hiểu chuyện hơn trước.

"Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay" (Vi Hiền Truyện). Có thể nói Phương pháp giáo dục con của người Do Thái là quyển sách hay mà tôi may mắn có được - đó là kim chỉ nam giúp tôi nuôi dạy con của mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu

[thithuv92@gmail.com]

Việt Đức Võ

Việt Đức Võ

14:45 21/04/2024

Rất hay!